Bình Dương kiến nghị Thủ tướng phương án thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa phương. Trong đó chia thành 2 đoạn tuyến: Vành đai 3 – Cầu Khánh Vân và Cầu Khánh Vân – Chơn Thành.
Bình Dương kiến nghị phương án đầu tư cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh này. Ảnh minh họa
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành xuất phát từ Vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước dài khoảng 60,4km; trong đó đoạn từ đường Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương – Bình Phước dài khoảng 53,3km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 7,1km. Quy mô đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp, bao gồm các nút giao.
Theo kế hoạch, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai đoạn tuyến 53,3km đoạn từ đường Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương – Bình Phước, chia làm 2 đoạn tuyến.
Đoạn từ Vành đai 3 – Cầu Khánh Vân (dài khoảng 7,7 km) giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT.743 và ĐT.747B, tổng bề rộng nền từ 36 – 38m.
Đoạn từ cầu Khánh Vân đến Chơn Thành (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 45,6 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 7,1 km) được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp .
Dự án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe dự kiến áp dụng phương thức PPP (đối tác công – tư). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến 16.196 tỉ đồng; trong đó, giải phóng mặt bằng 7.388 tỉ đồng; xây lắp 8.808 tỉ đồng.
Phương án tuyến trên cũng đã được Ban Kinh tế – Ngân sách tỉnh Bình Dương đồng thuận, trình lên HĐND tỉnh phê duyệt trong kỳ họp chuyên đề sắp tới.
Bên cạnh đoạn tuyến trên, Ban kinh tế – ngân sách tỉnh cũng thống nhất phương án triển khai các đoạn còn lại của tuyến đường cao tốc như đoạn dẫn cao tốc chưa đầu tư nút giao Gò Dưa đến ngã 3 Độc Lập (dài khoảng 2km):
Đoạn thuộc địa bàn TP.HCM (dài khoảng 1,65km) sẽ được TP.HCM nghiên cứu triển khai thực hiện; đoạn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương (dài khoảng 0,35km) sẽ do tỉnh Bình Dương nghiên cứu thực hiện.
Đoạn từ ngã 3 Độc Lập đến Vành đai 3: nghiên cứu thực hiện một số giải pháp kỹ thuật trên tuyến như xây dựng cầu vượt, hầm chui trên các đường ngang, đường nhánh, hạn chế giao cắt nhằm nâng tốc độ khai thác đoạn tuyến này trong giai đoạn tiếp theo.
Đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ do tỉnh Bình Phước đầu tư theo quy mô đồng bộ với đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Dương.