Tỉnh ủy Quảng Nam vừa báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Khu nghỉ dưỡng và bất động sản của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 04 tỷ USD. Ảnh: Lưu Bang
Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 194 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 06 tỷ USD.
Các dự án đầu tư đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với 57 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 800 triệu USD; Đài Loan với 15 dự án, tổng vốn đăng ký là hơn 200 triệu USD; Nhật Bản với 18 dự án, tổng vốn đăng ký là hơn 139 triệu USD.
Một số dự án quy mô lớn đã cấp phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, như dự án Khu nghỉ dưỡng và bất động sản của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 04 tỷ USD; Dự án Sản xuất, tiếp thị và phân phối bia của Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam – Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 72,28 triệu USD; Dự án Nhà máy dệt, may, nhuộm và phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Panko Tam Thăng với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD.
Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết thêm, công tác hội nhập quốc tế giúp cho các nhà đầu tư trong nước có cơ hội hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong đó, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải ký thỏa thuận đầu tư và cùng hợp tác với Tập đoàn ô tô Mazda để đầu tư Nhà máy sản xuất ô tô Mazda Chu Lai (vốn đầu tư khoảng 03 tỷ USD), ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Huyndai chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ; liên doanh các nhà đầu tư đã ký kết thỏa thuận đầu tư 10 tỷ USD.
Về công tác nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh có sự cải thiện đáng kể, mạng lưới giao thông phát triển, ngày càng được đầu tư nâng cấp mở rộng, như đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đoạn qua tỉnh Quảng Nam dài 91,5km); tuyến Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông; tuyến đường sắt Bắc – Nam (qua tỉnh Quảng Nam); cảng Kỳ Hà – Tam Hiệp đủ điều kiện đón tàu đến 20.000 tấn và đang được đầu tư để đón tàu đến 30.000 tấn với hạ tầng logistic đồng bộ, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển đi các địa phương trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, sân bay Chu Lai được đầu tư đồng bộ, có khả năng phục vụ các loại máy bay có trọng tải lớn và đang khai thác chủ yếu đường bay đi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (hằng năm, đón gần 02 triệu lượt khách/năm).
Trong tương lai, sân bay Chu Lai sẽ phục vụ các tuyến bay quốc tế vận tải hành khách, hàng hóa trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Chưa hết, sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang và các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 khu công nghiệp, 92 cụm công nghiệp, phần lớn các dự án sản xuất công nghiệp đều được bố trí theo đúng quy hoạch.
Tỉ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và đi vào hoạt động đạt trên 65% diện tích. Trong đó, nhiều dự án lớn đã đầu tư sản xuất kinh doanh, như da giày, dệt may, cơ khí ngành may, phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử…