Ý tưởng quy hoạch chỉ là một trong những tài liệu để UBND các tỉnh tham khảo, nghiên cứu trong quá trình triển khai lập các quy hoạch có liên quan, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi đầu tư nhà đất “ăn theo” những đề xuất ý tưởng quy hoạch do các tổ chức, cá nhân tài trợ.
Doanh nghiệp đề xuất một ý tưởng quy hoạch tại Lâm Đồng
Đổ xô về Lâm Đồng tài trợ ý tưởng quy hoạch
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn trên lĩnh vực bất động sản đã đổ xô về tỉnh Lâm Đồng đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch. Trong đó, có nhiều ý tưởng quy hoạch đã “vẽ” ra những dự án quy mô lớn, thậm chí có dự án đề xuất tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD.
Một số ý tưởng quy hoạch đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương, như Công ty cổ phần tập đoàn T&T tài trợ ý tưởng thiết kế quy hoạch tại khu vực phường 11, phường 12 và xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, với quy mô 1.211 ha. Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh tài trợ lập ý tưởng Khu đô thị sinh thái hồ Than Thở, TP. Đà Lạt, với quy mô 530 ha.
Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển DB tài trợ ý tưởng quy hoạch tại Phường 5 và 7, thành phố Đà Lạt, với quy mô 2.000 ha. Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh tài trợ lập ý tưởng thiết kế tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, với quy mô 4.320 ha.
Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc Nova tài trợ ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Đắk Long Thượng và một phần phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc. Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang tài trợ lập ý tưởng quy hoạch tại huyện Lâm Hà, với quy mô 15.000 ha.
Liên danh VFI-NEW HOUSE – ISRAEL tài trợ ý tưởng quy hoạch quần thể vui chơi giải trí làng Châu Âu tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và Lâm Hà, với quy mô 18.000 ha.
Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) tài trợ ý tưởng quy hoạch hồ Kala và núi Brah Yang, huyện Di Linh, với quy mô 5.000 ha. Công ty cổ phần BCG Land tài trợ ý tưởng quy hoạch Khu vực hồ Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, với quy mô 1.650 ha,…
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 21 khu vực đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu và tài trợ ý tưởng quy hoạch.
Trong đó có chín phương án đã được UBND tỉnh chấp thuận và kết thúc việc nghiên cứu, khảo sát, lập ý tưởng; hai phương án đã báo cáo UBND tỉnh và đang hoàn thiện, trình thống nhất; bốn phương án đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất và đang hoàn thiện; một phương án đã hoàn thiện và đăng ký báo cáo UBND tỉnh; năm phương án hiện không triển khai.
Nhiều ý tưởng quy hoạch đã “vẽ” ra những dự án quy mô lớn, thậm chí có dự án đề xuất tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD.
Dừng tiếp nhận tài trợ, xử lý các ý tưởng quy hoạch thực hiện dang dở
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, khảo sát và đề xuất ý tưởng quy hoạch trên địa bàn tỉnh.Trong đó, một số sản phẩm, ý tưởng quy hoạch đã hoàn thành có tính đột phá, phù hợp với định hướng quy hoạch của tỉnh làm cơ sở để xem xét cập nhật vào quy hoạch, kêu gọi thu hút đầu tư.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong Nghị quyết nêu trên có quy định nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để tập trung lập các quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đồng thời, kể từ ngày 29/3 UBND tỉnh Lâm Đồng dừng tiếp nhận tài trợ ý tưởng lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc dừng tiếp nhận tài trợ ý tưởng quy hoạch, ngày 5/5 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã cho ý kiến xử lý chuyển tiếp đối với việc tài trợ ý tưởng quy hoạch trên địa bản tỉnh. Đây là các trường hợp đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí và đang triển khai lập ý tưởng quy hoạch.
Theo đó, đối với các trường hợp đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nhưng không triển khai thì chấm dứt thực hiện. Đối với các trường hợp đang triển khai, thì tiếp tục thực hiện và hoàn thành trong tháng 6/2023. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng thông qua Sở Xây dựng tỉnh để cho ý kiến hoàn thiện.
Riêng đối với các trường hợp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghe báo cáo, cho ý kiến, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất việc tiếp tục hoàn thiện phương án ý tưởng trong tháng 5/2023.
Sau khi ý tưởng quy hoạch được hoàn thiện, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu bàn giao cho Sở Xây dựng và các địa phương liên quan làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch.
Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi đầu tư nhà đất ”ăn theo” các đề xuất ý tưởng quy hoạch.
Nhà đầu tư cần thận trọng
Sự xuất hiện của hàng loạt “ông lớn” bất động sản nêu trên, cộng với việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đã kích hoạt làn sóng đầu tư nhà đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn ra sôi động và đạt đỉnh trong quý 2/2022, trước khi giảm mạnh kể từ quý 3/2022 cho đến nay.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên lĩnh vực bất động sản cho rằng, giới đầu tư bất động sản cần hết sức lưu ý đối với việc đầu tư nhà đất “ăn theo” đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch nói trên.
Lý do là ý tưởng quy hoạch chỉ là một trong những tài liệu để UBND các tỉnh tham khảo, nghiên cứu trong quá trình triển khai lập các quy hoạch có liên quan trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án.
Thời gian để có thể hiện thực hóa một ý tưởng quy hoạch thành một dự án bất động sản trên thực tế là rất lâu, đặc biệt là những quy hoạch có quy mô diện tích sử dụng đất lớn. Thậm chí cũng có trường hợp ý tưởng quy hoạch không được cập nhật vào các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết do gặp phải những nguyên nhân có liên quan. Khi đó, sẽ chẳng có dự án quy mô lớn nào được triển khai như ý tưởng từ lúc ban đầu.
Chưa hết, hiện nay và trong thời gian tới, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn thanh lọc mạnh. Bởi vậy, sẽ không còn chỗ cho “dòng tiền dễ” chỉ chảy vào đầu cơ, lướt sóng. Bất động sản giờ đây nghiêng hẳn về những người có “tiền tươi, thóc thật” và là cuộc chơi dành những người có chiến lược đầu tư trung và dài hạn.
Do đó, những ai đang có ý định đầu cơ lướt sóng ”ăn theo” các đề xuất tài trợ ý tưởng quy hoạch của các “ông lớn” bất động sản cũng cần hết sức cân nhắc.
Anh T, một nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm tại thị trường bất động sản Đà Nẵng và Quảng Nam cho biết, giới đầu tư nhà đất cần hết sức thận trọng với những quảng cáo, rao bán bất động sản.
Trong các quảng cáo này, môi giới thường đưa ra nhiều thông tin liên quan về việc đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như các dự án đang được các doanh nghiệp lớn nghiên cứu đầu tư,… nhằm thu hút sự quan tâm của người mua. Trong các tình huống này, giới đầu tư cần hết sức tỉnh táo nhận biết và tìm hiểu về tiến độ cụ thể về việc triển khai các công trình, dự án kể trên.
Giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng đang giảm mạnh
Sau một thời gian diễn biến sôi động, số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng hiện đã giảm mạnh kể từ quý 3/2022 đến cuối tháng 4/2023.
Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2022, số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh trong quý 2/2022.
Nếu như trong quý 1/2022, trên toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 12.467 giao dịch đất nền, thì sang đến quý 2/2022 lượng giao dịch tăng mạnh lên 19.669 giao dịch.
Sang đến quý 3 và quý 4/2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng vốn tín dụng eo hẹp, cộng với việc lãi suất cho vay ở mức cao đã khiến cho số cho số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng giảm mạnh còn 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch.
Trong quý 1/2023, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3.246 giao dịch đất nền, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.127 giao dịch, huyện Đức Trọng với 506 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 476 giao dịch, huyện Lâm Hà với 442 giao dịch.
Gần đây nhất, số liệu tổng hợp từ 34/34 văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính từ ngày 01/04 đến ngày 28/04/2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1.194 giao dịch đất nền trong khu dân cư hiện hữu và chỉ có 26 giao dịch đất nền phát triển tại các dự án.
Thống kê từ Sở Tư pháp cũng cho biết thêm, số lượng giao dịch đất nền trong khu dân cư hiện hữu tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 227 giao dịch, huyện Lâm Hà với 220 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 156 giao dịch.
Cũng trong giai đoạn nói trên, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 100 giao dịch nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu và không có giao dịch nhà ở riêng lẻ phát triển tại các dự án.