Công ty Tân Việt Phát phân khu đất nghĩa trang rộng 92.000m2 thành 500 lô đất, bán với giá 6-7,3 triệu đồng/m2, thu lời trước 50% tương đương 500 tỉ đồng.
Ngày 11/5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án bán rẻ 9,2ha đất tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) gây thiệt hại 45 tỉ đồng.
Thu lời 500 tỉ đồng từ khu đất nghĩa trang 92ha
Ghi nhận của báo Pháp luật TP.HCM tại phần xét hỏi, đại diện Công ty Tân Việt Phát trả lời HĐXX, khai việc đấu giá đất công khai nhiều lần nên công ty biết. Nhưng do khu đất nhiều mồ mả nên công ty chỉ đề nghị tỉnh giao đất không qua đấu giá, không đề nghị gì về giá đất.
Sau khi được giao đất, năm 2017, Công ty Tân Việt Phát được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất hơn 92.000m2 tại TP.Phan Thiết. Công ty đã làm các thủ tục xin thực hiện dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 trên khu đất trên và triển khai đầu tư hạ tầng, phân thành 500 lô đất, diện tích 100m2 – 2.009 m2.
Khu đất rộng 92.000m2 tại Phan Thiết liên quan đến vụ án. Ảnh: PLO
UBND tỉnh thu hồi 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp mới 500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty. Công ty sau đó phối hợp với một công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng để huy động vốn mục đích chuyển nhượng đối với 475 lô đất trên.
Công ty đã thu 50% số tiền trong hợp đồng của khách hàng với giá từ 6 triệu đồng/m2-7,3 triệu đồng/m2, với tổng số tiền huy động được hơn 499 tỉ đồng.
Tân Việt Phát đã triển khai các thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định. Còn lại 2 lô đất có tổng diện tích 4.015,5 m2 (2006,5 m2 và 2.009 m2) Công ty Tân Việt Phát để lại phát triển thương mại.
“Đất nghĩa trang, khó bán đấu giá”
Báo Dân Việt thông tin, thời điểm giao đất là năm 2017 nhưng mức giá đồng thuận giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đương thời và Tân Việt Phát là 111 tỉ đồng (giá năm 2013), thấp hơn thị trường, theo cáo trạng. Việc này gây thiệt hại hơn 45 tỉ đồng, trách nhiệm thuộc cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Hai và các lãnh đạo, cán bộ khác.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Dân Việt
Tại tòa, đại diện UBND Bình Thuận trong vai trò nguyên đơn dân sự đề nghị tòa tuyên Công ty Tân Việt Phát phải nộp thêm vào ngân sách 45 tỉ, khắc phục hậu quả vụ án.
Đồng thời, UBND tỉnh xin giảm nhẹ hình phạt cho các cựu lãnh đạo, cán bộ của mình với lý do họ “nhận thức pháp luật chưa đầy đủ” và “đã công tác nhiều năm, trải từ cơ sở đến cấp tỉnh, có nhiều cống hiến”.
Đại diện UBND tỉnh cho biết, khu đất trong vụ án: “Vốn là nghĩa trang, nhiều mồ mả; hố sâu khi di dời hài cốt nên không mỹ quan, các nhà đầu tư không quan tâm; dính tới yếu tố tâm linh nên khó đấu giá”. Trong khi đó, áp lực thu ngân sách của tỉnh lớn nên các bị cáo trong vụ bán cho Tân Việt Phát vì: “Mục đích chung, vì tỉnh, chứ không vụ lợi”.
Đại diện Công ty Tân Việt Phát đồng tình ý kiến của UBND Bình Thuận, xin nộp 45 tỉ đồng nếu như tòa án xác định con số này là thiệt hại vụ án. Doanh nghiệp này còn cho hay không đề nghị UBND tỉnh áp giá thấp khi xin mua – giao đất; chỉ gửi công văn nói: “Doanh nghiệp khó khăn vì không bán được, hiện trạng đất là mồ mả nên đề nghị giao không qua đấu giá”.
Cũng theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 23/7/2022, Công ty Tân Việt Phát có công văn xin nộp bổ sung tiền đất chênh lệch là 45 tỉ đồng. CQĐT có văn bản đồng ý và hướng dẫn nhưng quá trình điều tra, công ty chưa thực hiện.
Để thu hồi tài sản cho nhà nước, năm 2021, Bộ Công an đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc phối hợp rà soát, cung cấp thông tin, hồ sơ pháp lý và tạm dừng giao dịch đối với các tài sản tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.
Khi cần giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất tại Dự án thì phải có văn bản lấy ý kiến của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.