Cuối sáng 11.5, tiếp tục phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Nêu ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cử tri phản ánh điểm nghẽn ở địa phương về ngân sách là nguồn tăng thu của ngân sách địa phương.
Ông Phương cho biết, quy định điều tiết phần tăng thu ở địa phương là 70 – 30, trong đó 70% chi cho cải cách tiền lương và 30% chi cho đầu tư. Nhiều địa phương đề nghị tỷ lệ 50 – 50.
Theo ông Phương, địa phương đã tính toán đảm bảo không bị thâm hụt nguồn cải cách tiền lương. Thủ tướng trong các cuộc làm việc cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu việc này để có tháo gỡ cho địa phương, chứ không sẽ lãng phí.
“Các đồng chí thấy chỗ này thế nào? Tiền bỏ đó mà không tiêu được, nhiều nơi người ta đề nghị việc này”, ông Phương nói và đề nghị Chính phủ cần đánh giá về sự lãng phí này đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai chậm, nhiều vướng mắc hiện nay.
Hiện nay phân cấp cho địa phương song không đi liền với bảo đảm điều kiện vốn thực hiện. “Vốn thì có chỗ giao một cục, có chỗ thì từng tiểu dự án nhỏ, cho nên không lồng ghép được. Nhưng hướng dẫn của T.Ư lại bảo lồng ghép phải từ cơ sở. Hướng dẫn không rõ thì làm sao lồng ghép”, ông Phương nêu.
Dành riêng thời gian để giải trình ý kiến của ông Phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết 27 ngày 21.5.2018 của T.Ư về cải cách tiền lương đã quy định nguồn vượt thu từ ngân sách T.Ư phải trích 40% để dành làm quỹ lương, ngân sách địa phương thì phải dành 70% để làm quỹ lương.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 11.5
Theo ông Phớc, quy định này để đảm bảo nguồn cải cách tiền lương vì có năm ngân sách sẽ vượt thu nhiều, có năm hụt thu. Theo ông đây là vấn đề chủ động, điều hòa trong nguồn cải cách tiền lương, vì tới nay việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của T.Ư vẫn chưa thực hiện.
Về các chương trình mục tiêu quốc gia mà ông Phương đề cập, Bộ trưởng Phớc thông tin, hiện đầu tư công giải ngân rất chậm. “Chậm ở đây thì nhiều nguyên nhân lắm, từ nguyên nhân điều hành, nhưng cũng có một nguyên nhân rất quan trọng là quy định pháp luật. Luật Đầu tư công quy định có tiền thì mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền, cho nên bị vướng”, ông Phớc nói.
Dẫn một công trình trọng điểm nằm trong chương trình phục hồi kinh tế Quốc hội đã quyết là làm trụ sở của Hải quan trong sân bay Long Thành nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được thông báo vốn vì chưa lập được dự án, nhưng muốn lập dự án thì phải có tiền, cho nên cứ vướng đi vướng lại như vậy.
Về chương trình mục tiêu quốc gia, ông Phớc nói cũng rất vướng. “Bây giờ đang cãi nhau việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách 40 triệu một hộ gia đình thì thuộc đầu tư công hay thuộc chi thường xuyên. Chúng tôi đang tranh luận với nhau chỗ này”, ông Phớc nói, và nêu quan điểm cá nhân: đây là một khoản hỗ trợ của ngân sách, là khoản chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chi đầu tư công.
Ông Phớc nói, song song quá trình điều hành cũng có vấn đề hoàn thiện pháp luật.
“Kể cả về các chương trình mục tiêu quốc gia thì ý kiến của chúng tôi là T.Ư hướng dẫn nội dung chi tiêu còn lại phân bổ một cục về cho các tỉnh tổ chức làm, sau đấy mình kiểm tra. Nếu trên này (T.Ư) phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không thể làm được. Người lớn làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.