Định hướng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 của Đảng và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam của Chính phủ đã xác định, tới năm 2030 du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Việt Nam với lợi thế về nông nghiệp, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững; tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 922/QĐ-TTg của Chính phủ, phê duyệt ngày 2/8/2022 đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Trước đó, tại Nghị quyết 18-NQ/TW được Trung ương ban hành ngày 16/6/2022 không chỉ là “kim chỉ nam” cho việc hoàn thiện chính sách đất đai, mà còn góp phần khai thông cho phân khúc bất động sản phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn bứt phá trong thời gian tới.
Việc phát triển các bất động sản phục vụ du lịch nông nghiệp giúp tăng cường giá trị của nông sản, tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho người dân địa phương, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch mới, hấp dẫn trong khu vực.
Chính vì vậy, để tạo động lực cho việc phát triển một phân khúc nhiều tiềm năng cũng như tạo cơ hội cho thị trường bất động sản trong thời gian tới, ngày 25/05/2023, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia sẽ diễn ra sự kiện “Bàn tròn xúc tiến đầu tư bất động sản: Du lịch nông Nghiệp Việt Nam” do Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED Center) phối hợp với Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp tổ chức.
TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Trong chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, dịch vụ có khả năng đem lại lợi nhuận cao nhất cho địa phương là lưu trú với hệ thống hạ tầng đồng bộ, tiện nghi, hiện đại để “giữ chân” du khách. Chính vì vậy, Bàn tròn Xúc tiến đầu tư Bất động sản Du lịch Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tổ chức tài chính, nhà đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Đảm bảo sự đồng bộ giữa các lĩnh vực du lịch-nông-lâm-ngư ngiệp-bất động sản gắn liền với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Tùng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp cũng cho rằng: Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, văn hóa đa dạng, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Việc phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp không những giúp tăng giá trị nông sản, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch mới và hấp dẫn trong khu vực.
Bàn tròn Xúc tiến đầu tư Bất động sản: Du lịch Nông nghiệp Việt Nam tổ chức với mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư bằng các nguồn lực tài chính, tư duy quản trị, nhân lực chất lượng cao … tham gia cải tạo, phát triển các bất động sản nông nghiệp phục vụ phát triển Du lịch Nông nghiệp, Nông thôn tạo động lực, xung lực mới để phát triển một phân khúc nhiều tiềm năng và cơ hội cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Sự kiện tập trung vào các vấn đề xoay quanh chính sách của Chính phủ, địa phương, pháp lý và cơ hội đầu tư… Tất cả đều được các chuyên gia nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và chia sẻ thông tin trong sự kiện này.
Bên cạnh giới thiệu các chính sách hỗ trợ đầu tư của nhà nước vào việc phát triển du lịch Nông nghiệp, Bàn tròn xúc tiến đầu tư cũng sẽ cung cấp thông tin về các dự án tiềm năng đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực văn hóa – thể thao – du lịch và nông, lâm nghiệp tại các địa phương.
Ngoài ra, Bàn tròn xúc tiến đầu tư sẽ có những hoạt động giao lưu, trao đổi kết nối giữa các doanh nghiệp đã và đang tham gia phát triển các bất động sản phục vụ phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.
Thanh Hà