Trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội so sánh mức chi phí để thi công các đường Vành đai đã và đang triển khai lên tới 2.500-7.6000 tỉ đồng/m2 để rút kinh nghiệm cho dự án Vành đai 4 sẽ khởi công vào tháng 6 tới đây.
Mạng lưới đường Vành đai vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tiến Thành/VNExpress
Chỉ còn 2 tháng nữa dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô sẽ chính thức đi vào thi công. Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện các bước cuối cùng để bàn giao đủ 70% mặt bằng phục vụ lễ khởi công theo kế hoạch.
Dự án đường vành đai này là một trong những nội dung trọng điểm được đề cập đến trong cuộc họp gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.
Ông Dũng thông tin: Mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ là đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công được dự án vành đai 4. Đến 31/12/2023 phải bàn giao 100%.
Đến nay, Hà Nội đã bàn giao được khoảng 50% diện tích đất của dự án vành đai 4. Gần 60% mồ mả được di chuyển, cụ thể có khoảng 11.000 ngôi mộ đến nay đã chuyển được khoảng 6.000 ngôi. Việc di dời mồ mả được các quận huyện tích cực vận động thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2022.
Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự đồng thuận của người dân hỗ trợ chính quyền trong quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trọng điểm của thành phố và khu vực.
Lãnh đạo Thanh phố cho biết, Dự án vành đai 4 – vùng thủ đô được phê duyệt tổng chiều dài 112 km đi qua 3 tỉnh với tổng mức đầu tư 85.000 tỉ. Dự án đi qua Hà Nội với chiều dài 58,6 km.
Theo phương án được duyệt thì GPMB cho toàn bộ đường vành đai 4 bao gồm đường cao tốc, đường song hành mỗi bên hai làn xe, kể cả 30 m chiều ngang dự trữ cho đường sắt quốc gia tổng kinh phí GPMB tái định cư trên 13.000 tỉ đồng. Chi phí làm đường song hành hai bên, mỗi bên hai làn xe là 5.400 tỉ đồng. Theo tính toán của ông Dũng, chi phí để triển khai 1 km của dự án tương đương 328 tỉ đồng.
Ông Dũng cho rằng so dự án xây dựng đường vành đai thứ 4 của Hà Nội đã có nhiều bước tiến, cải thiện so với các dự án trước, chi phí được tinh gọn đáng kể. Lãnh đạo thành phố lẫy dẫn chứng: đường Vành đai 2,5 nối từ Nguyễn Trãi sang Đầm Hồng có hơn 1 km chi phí đến 2.500 tỉ đồng bao gồm cả GPMB và làm đường 4, 5 làn xe. Còn tuyến đường Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu – Voi Phục yêu cầu tới 7.600 tỉ đồng/1 km
Ông Dũng khẳng định: “Nói để thấy chúng ta làm đường sớm ngày nào, đồng bộ ngày nào thì rẻ ngày đấy. Ngoài mặt kinh tế, điều quan trọng hơn nếu làm đồng bộ thì sớm ổn định đời sống nhân dân. Như đường vành đai 1, vành đai 2,5 nhân dân hàng chục năm nay có yên được không? Có làm ăn kinh doanh yên ổn không hay suốt ngày lo lắng về GPMB. Tự chúng ta gây nên mất an ninh trật tự trong lòng thủ đô”.
Ông Dũng nhìn nhận phải rút kinh nghiệm từ những bài học kể trên, làm gì phải “ra tấm ra món, rốt ráo từ đầu. Tiền là một phần, còn ổn định đời sống nhân dân là rất quan trọng”.