Mặc dù ghi nhận có lãi trở lại trong quý 2 nhưng lũy kế 6 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen vẫn còn lỗ gần 430 tỉ đồng.
Có lãi trở lại sau 2 quỹ lỗ nặng
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/3/2023) với doanh thu hợp nhất đạt 6.981 tỉ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp 904 tỉ đồng, lãi sau thuế 251 tỉ đồng, đều thấp hơn cùng kỳ nhưng cải thiện đáng kể so với quý liền trước.
Hoa Sen báo lỗ gần 430 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm niên độ 2022-2023
Được biết, trong quý 3 và 4 của năm dương lịch 2022, Hoa Sen lỗ ròng lần lượt 887 tỉ đồng và 680 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh quý vừa qua cải thiện rõ rệt là do doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đã quản lý hiệu quả các loại chi phí. Cụ thể, chi phí tài chính chỉ còn 75 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.
Trong đó, chi phí lãi vay là 57 tỉ đồng, tăng 5 tỉ đồng so với cùng kỳ trong giai đoạn lãi suất tăng cao, cho thấy những nỗ lực của Hoa Sen trong việc giảm thiểu lãi vay và đàm phán mức lãi suất tốt nhất; chi phí chênh lệch tỉ giá chỉ còn 18 tỉ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ do Hoa Sen đã tất toán các khoản nợ vay bằng USD trong quý trước.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của Hoa Sen chỉ còn 100 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng còn 536 tỉ đồng, giảm 42%.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hoa Sen đã tiêu thụ hơn 232.300 tấn tôn mạ trong quý 1/2023, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của Hoa Sen giảm từ 28,2% trong quý 1/2022 xuống còn 25,2% trong quý đầu năm nay, nhưng vẫn đủ để dẫn đầu toàn ngành. Sản lượng sản xuất tôn mạ quý vừa qua đạt gần 266.700 tấn, giảm 30% so với một năm trước.
Ở thị trường ống thép, doanh nghiệp này sản xuất hơn 87.100 tấn và bán ra hơn 107.200 tấn trong quý 1/2023, tiếp tục đứng thứ 2 toàn ngành với thị phần 14,38%.
Lũy kế trong 6 tháng đầu niên độ 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022-31/3/2023), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 14.898 tỉ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 430 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 873 tỉ đồng.
Trong niên độ 2022-2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản. Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỉ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỉ đồng, giảm 60%. Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn với doanh thu là 36.000 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỉ đồng, tăng 20%.
Như vậy, với việc lỗ trong 6 tháng đầu năm, cho dù kịch bản lãi tối thiểu 100 tỉ đồng hay tối đa 300 tỉ đồng, công ty vẫn cách rất xa kế hoạch đặt ra.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Hoa Sen giảm nhẹ so với hồi đầu năm, còn 17.005 tỉ đồng. Trong đó, hàng tồn kho vẫn là khoản chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,2%) trong cơ cấu tài sản của công ty với 7.007 tỉ đồng.
Nợ phải trả của Hoa Sen ở mức 6.612 tỉ đồng, tăng gần 500 tỉ đồng so với đầu niên độ. Trong đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 1.000 tỉ đồng lên 2.179 tỉ đồng, vay nợ ngắn hạn giảm gần 500 tỉ đồng xuống còn 3.577 tỉ đồng.
Cổ phiếu HSG bị cắt margin?
Theo quy định hiện hành, nếu lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên là số âm, cổ phiếu sẽ bị đưa vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Như vậy, nếu như số liệu sau kiểm toán của Hoa Sen không có nhiều thay đổi so với số liệu lũy kế 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2022-2023, điều này đồng nghĩa nhiều khả năng cổ phiếu HSG sẽ sớm bị cắt margin khi công bố BCTC kiểm toán.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 10/3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen cho biết, thời điểm khó khăn nhất của đã qua, công ty bắt đầu có lãi từ tháng 2/2023.
“Chắc chắn Hoa Sen đã có lời lại nên cổ đông yên tâm, HSG sẽ không bị cắt margin”, ông Lê Phước Vũ cho biết.
Hiện tại, hàng tồn kho của Hoa Sen đủ dùng đến tháng 5/2023, giá thép thấp mà Hoa Sen mua trong năm ngoái là 510 USD/tấn và tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Chính vì vậy, Hoa Sen sẽ có lãi tốt trong những tháng tới để bù lỗ trong 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022-2023.
Chủ tịch Hoa Sen cũng nhấn mạnh về tình hình tài chính lành mạnh của công ty, với dư nợ dao động ở mức 3.000 tỉ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ 0,3-0,4 và không có tình trạng nợ xấu.
Bên cạnh đó, Hoa Sen đã thông qua phương án chi trả cổ tức của niên độ 2021 – 2022 bằng cổ phiếu với tỉ lệ tối đa 3%. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2022 theo BCTC hợp nhất kiểm toán.