Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về quản lý sinh viên làm thêm?

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về quản lý sinh viên làm thêm? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Nhung – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ảnh: HÀ QUÂN

Tại diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023, ngày 5-5, Trần Thị Kiều Anh – chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM – đặt vấn đề phần lớn sinh viên sau giờ học đều tranh thủ đi làm thêm bên ngoài để có kinh nghiệm thực tiễn và thêm thu nhập.

“Tuy nhiên, việc quản lý sinh viên làm thêm còn chưa được các ngành quan tâm. Vậy trong thời gian tới có chính sách gì về quản lý việc làm thêm của sinh viên hiện nay?”, Kiều Anh nói.

Kinh nghiệm hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhung – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và đào tạo – cho biết hiện nay sinh viên có nhu cầu làm thêm rất lớn.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao các cơ sở giáo dục hướng dẫn sinh viên tìm kiếm nhu cầu tuyển dụng, tự đánh giá kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời bồi dưỡng kiến thức cho các em hoặc tổ chức các ngày hội việc làm.

Qua nắm bắt, đa phần sinh viên làm thêm sau giờ học thể hiện sự năng động, mong muốn phát triển kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, bà chỉ rõ một bộ phận thanh niên chỉ đi làm thêm sau giờ học để kiếm thêm thu nhập, chưa làm thêm theo ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên làm thêm nhưng kinh nghiệm hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật đầy đủ dẫn tới tình trạng không ký kết hợp đồng lao động, nhận thù lao trực tiếp dẫn tới khó khăn trong hỗ trợ các em khi xảy ra vấn đề.

Để giải quyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành sẽ nghiên cứu quy định cụ thể, quy trình thủ tục, cách thức để quản lý tốt hơn việc làm thêm sinh viên, tuyển dụng sinh viên làm thêm, bảo vệ quyền lợi chính sách của sinh viên.

Chú ý giải pháp, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, hiểu rõ nguyên tắc lao động, điều kiện lao động, các vấn đề quản lý lao động…

Cạnh đó, gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường trong quản lý sinh viên làm thêm. Chẳng hạn, thầy cô, cha mẹ giới thiệu việc làm phù hợp với các em, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học.

Thực tế, có nhiều việc làm thêm trên mạng xã hội, trang web lợi dụng lòng tin, mong muốn làm việc lương cao của sinh viên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do đó, bà mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý doanh nghiệp vi phạm.

“Đặc biệt đối với sinh viên chưa đủ 18 tuổi, các em cần hiểu rõ hơn các công việc được làm phù hợp với sức khỏe, thời gian làm việc và nhận được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ” – bà Nhung nhấn mạnh.

Nhiều người nhận trợ cấp thất nghiệp hơn

TS Vũ Minh Tiến – viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho biết tháng 4 vừa qua, ông cùng đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế, gặp gỡ lao động tại ba tỉnh ở phía Nam nhận thấy thực tế đáng báo động là tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp rất nhiều. 

Trong khi đó, thực tế nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, báo cáo chính xác, đầy đủ thực trạng giảm việc làm, giảm thu nhập, mất việc làm của người lao động.

Theo ông Tiến, nếu chỉ căn cứ báo cáo số lượng các đơn vị đưa lên là không sát với thực tế.

“Với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay thì cứu trợ, hỗ trợ cho lao động là rất quý nhưng điều quan trọng nhất, gốc giải quyết vấn đề là cần tạo công ăn việc làm cho người lao động” – ông Tiến nói.

Vừa qua Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiều chính sách thanh niên, lồng ghép trong công nhân, lao động. Chẳng hạn, công đoàn tập hợp các khó khăn, bức xúc của người lao động để kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách. Hai là công đoàn vận động thanh niên tích cực lao động sản xuất, giúp doanh nghiệp phát triển.

Lao động mất việc làm ngoài hỗ trợ theo quy định còn hỗ trợ thêm trong giới thiệu việc làm. Trường hợp giảm việc làm, tức là giảm thu nhập, công đoàn đề nghị doanh nghiệp đảm bảo mức lương cơ bản…