Từng là “con nợ” của cả làng vì nuôi chim
Khởi nghiệp nuôi chim bồ câu Pháp với 35 triệu đồng, anh Lê Văn Chinh (33 tuổi, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang là ông chủ trang trại nuôi chim bồ câu lớn nhất xã với hơn 1.500 đôi, mỗi tháng kiếm thu nhập gần 30 triệu đồng.
Anh Chinh cho biết, để có được thành quả như hôm nay, anh đã mất một khoảng thời gian dài tìm tòi, học hỏi kỹ thuật và nếm không ít lần nợ nần vì loài chim “chung thủy” này.
Khởi nghiệp với 35 triệu đồng, anh Chinh trở thành ông chủ trại chim bồ câu Pháp lớn nhất xã.
Sau khi học hết lớp 12, anh Chinh vào TPHCM làm công nhân. Năm 2015, anh quyết định về quê lấy vợ và khởi nghiệp. Trong một lần tình cờ xem trên mạng thấy mô hình nuôi chim bồ câu pháp đem lại hiệu quả cao, vốn yêu thích chăn nuôi từ nhỏ, anh Chinh hứng thú với mô hình này rồi quyết định đầu tư.
“Lúc đó không có tiền, đi vay mượn được 35 triệu đồng, tôi cân đối nguồn vốn rồi xây chuồng trại, nuôi thử nghiệm 50 đôi chim”, chàng trai trẻ nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp.
Theo anh Chinh, thời gian đầu khi nuôi chim, vì không có kinh nghiệm nên anh vừa tự học hỏi trên mạng xã hội, tự trau dồi kiến thức và đi tham khảo các mô hình trong tỉnh. Suốt 3 năm ròng rã, anh Chinh chỉ tập trung vào phát triển số lượng, nhân đàn chim trong trại mà không xuất bán ra thị trường.
Những con chim bồ câu con chuẩn bị xuất bán ra thị trường.
Có thời điểm, trong nhà chẳng còn đồng vốn mua thức ăn cho chim, anh Chinh đi vay mượn hết bạn bè đến hàng xóm, thậm chí nợ cả đại lý cung cấp cám chim.
“Trong 3 năm đầu, không thu về được một đồng lãi nào, thậm chí còn là con nợ của cả làng. Cứ có tiền là tôi đổ vào nhân đàn, tăng số lượng chim trong trang trại. Lúc đó, cả gia đình sống bằng lương công nhân của vợ, nhiều lúc vợ tôi khuyên bỏ nghề, kiếm việc khác làm. Nhưng vì đam mê với công việc này nên tôi quyết tâm chinh phục bằng được”, anh Chinh tâm sự.
Đến năm 2018, khi số lượng đàn chim trong trại lên đến 350 đôi, anh Chinh bắt đầu xuất bán ra thị trường, mỗi tháng thu nhập đều đặn gần 15 triệu đồng.
Mỗi cặp bồ câu bố mẹ sẽ được nuôi trong “chung cư” mini.
“Nuôi chim bồ câu không thể nóng vội được, phải tái đàn liên tục nên đây là lý do suốt 3 năm tôi không bán chim ra thị trường. Lần đầu tiên có được thu nhập từ nuôi chim tôi vui lắm. Những lứa chim đầu tiên được người tiêu dùng đặt hàng, trung bình một tháng tôi bán 500 con, chỉ một thời gian ngắn, tôi trả hết được nợ nần, có vốn xoay vòng mở rộng mô hình”, anh Chinh chia sẻ.
Ông chủ trại chim kiếm vài chục triệu đồng mỗi tháng
Đến nay, trang trại của anh Chinh duy trì hơn 1.500 đôi trong chuồng. Ông chủ trang trại cho biết, hiện mỗi tháng anh bán khoảng 800-1.000 con chim thương phẩm. Với giá trung bình 75.000-80.000 đồng/con, trừ chi phí anh thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ trang trại của anh Chinh chủ yếu là Hà Nội, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc. Ngoài nuôi chim, chàng trai trẻ còn thuê lại khu đất nông nghiệp rộng gần 3ha để tăng gia sản xuất, đào ao thả cá và nuôi vịt.
Người đàn ông gây bất ngờ từng là “con nợ” của cả làng (Video: Thanh Tùng).
Theo anh Chinh, nuôi chim bồ câu Pháp không quá vất vả nhưng phải thường xuyên theo dõi và đảm bảo yếu tố vệ sinh chuồng trại thì chim mới sinh trưởng và phát triển tốt.
“Đặc tính của chim bồ câu Pháp dễ nuôi, tuy nhiên phải đảm bảo các tiêu chí như ăn sạch, ở sạch, uống sạch. Quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, nếu không bảo đảm được điều kiện vệ sinh thì tỷ lệ chim mắc bệnh như bệnh đậu, bệnh niu-cat-xơn. Về thức ăn, chim chủ yếu ăn cám ngô, mỗi ngày 2 lần. Đối với chuồng trại phải đảm bảo ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Tôi ví những chuồng chim như chung cư, mỗi phòng 1 cặp”, anh Chinh chia sẻ.
Hệ thống chuồng trại như những “chung cư” mini dành cho chim ở.
Cũng theo anh Chinh, chim bồ câu Pháp mái sau 5 tháng bắt đầu đẻ trứng, trung bình 4 ngày chim đẻ 2 trứng, mỗi con đẻ khoảng 8 lứa/năm. Để đảm bảo được chất lượng trứng ấp nở tối đa, anh Chinh sử dụng máy ấp trứng để nâng cao hiệu quả.
“Quá trình sử dụng máy ấp thì vẫn duy trì bản năng nuôi con của chim, thông thường tôi sử dụng trứng giả để chim ấp trong tổ, chuồng. Còn trứng chim ấp tại máy sau hai tuần nở thành con sẽ đưa trở lại chuồng để chim bố mẹ nuôi”, anh Chinh chia sẻ kinh nghiệm ấp trứng.
Dự kiến về tương lai, ông chủ trại chim bật mí, nếu thị trường ổn định, anh sẽ mở rộng quy mô lên 3.000 đôi chim, duy trì mỗi tháng xuất ra thị trường 1.500 con.
Máy ấp trứng chim được anh Chinh đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Hoàng Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa cho biết, mô hình nuôi chim ở địa phương đã có nhiều hộ nuôi. Tuy nhiên, mô hình của gia đình anh Chinh có quy mô lớn nhất xã.
“Đây là gương thanh niên điển hình của địa phương, dám nghĩ dám làm. Việc nuôi chim bồ câu Pháp hiện nay của gia đình anh đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình”, ông Kiên cho biết thêm.