Hụt hơi vì… tránh đông đúc, chen chúc
Hai ngày trước, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, Thu Quyên, 28 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM đăng bức ảnh dòng người chen chúc rời thành phố với dòng cảm thán: “Những ngày thiên hạ đi chơi thì em chọn ở nhà. Ngu gì chen chúc khổ sở… “.
Nữ nhân viên òa khóc khi bước ra hành lang dãy trọ hun hút, vắng vẻ… (Ảnh minh họa: H.N).
Quyên thuộc trường phái “chê” những người chọn đi du lịch hoặc về quê dịp lễ. Vì rằng có quá nhiều bất cập như đông đúc, chen chúc, chưa kể giá cả dịch vụ thì vô cùng đắt đỏ.
Nhìn cảnh tưởng kẹt xe, nhiều khu du lịch, vui chơi đông nghẹt Quyên lại mỉm cười trước quyết định “ở nhà cho khỏe” của mình.
Hai ngày đầu, Quyên đi uống cà phê, đi dạo phố, công viên trong bối cảnh “đường xá thênh thang một mình ta đi”, cô thấy thật đã, thật chill (thư giãn)… Nhưng chỉ mới hai ngày, Quyên bắt đầu thấy thời gian ì ạch, không biết đi đâu, làm gì.
Sáng ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ, đẩy cửa bước ra hành lang khu trọ vắng hun hút, tự nhiên Quyên òa khóc nức nở cùng cảm giác trống trải, buồn chán và cảm thấy ghét bỏ bản thân.
“Đang trong thời gian tìm việc làm nên tôi căng thẳng gấp bội khi “đang yên ổn thì lễ ập đến”. Tôi không có tiền để đi du lịch, cũng không muốn về nhà khi đang thất nghiệp.
Những ngày lễ tôi ở phòng trọ, quay ra quay vào đọc, viết lại bộ hồ sơ xin việc, gửi một số hồ sơ online. Cảm giác chán chường về bản thân trong dịp lễ tăng cao hơn ngày thường rất nhiều”, N.T.Nh., 26 tuổi ở quận 3, TPHCM.
Chung tình cảnh, gia đình anh Mạnh Tùng, ở Tân Bình, TPHCM cũng bắt đầu uể oải khi ở nhà trong dịp lễ kéo dài này.
Anh Tùng cho hay, trước đó vợ chồng anh đã rất đau đầu trước câu hỏi nên đi đâu, làm gì trong dịp nghỉ lễ. Họ cũng biết rõ, ở nhà nếu 2-3 ngày thì còn ráng được còn 5 ngày mà ở nhà thì quá kinh khủng. Cuối cùng sợ chen chúc, đông đúc nên họ quyết định ở nhà thay vì đi chơi hay về quê ở Lâm Đồng.
Hết uống cà phê, đi dạo, đi trung tâm thương mại, xem phim… cả gia đình bắt đầu rơi vào trạng thái uể oải. Hai con nhỏ ở nhà quay đi quay lại cũng xem tivi hoặc cầm điện thoại nếu bố mẹ không đưa ra ngoài chơi.
“Tôi bớt giọng điệu mỉa mai những người chen chúc đi chơi hay về quê trong dịp nghỉ lễ rồi. Ai cũng có lý do và lựa chọn của họ”, nam nhân viên lĩnh vực ngân hàng trải lòng từ trải nghiệm những ngày qua của mình.
Vợ chồng anh dự định, vào ngày thứ 4 của dịp nghỉ lễ sẽ đưa con đi Đầm Sen hoặc Suối Tiên, điều không nằm trong kế hoạch dù biết chắc sẽ rất đông đúc.
Năm nào cũng vậy, trước những kỳ nghỉ lễ kéo dài, trước hình ảnh dòng người, xe cộ chen chúc, nhích từng bước trên đường, hình ảnh kẹt cứng ở các khu du lịch sẽ có những lời “ở nhà cho khỏe”. Cũng không thiếu ý kiến chê bai, mỉa mai những người tự hành xác…
Ông Nguyễn Hà Quốc Anh, CEO một thương hiệu thực phẩm ở TPHCM cho hay, dịp này luôn có nhiều người bảo: “Cứ lễ là chen nhau về, nghỉ không ở lại thành phố cho khỏe”.
Nhiều người cũng muốn ở lại cho khỏe nhưng thực tế, ông Anh cho rằng ngày thường thời gian nghỉ không cho phép, con cái học hành không cho phép. Họ muốn có tấm ảnh bên gia đình, được về bên ba mẹ hay được đưa con đi chơi trong dịp này cũng là điều dễ hiểu.
Nhiều người bị ám ảnh với cảnh đông đúc, chen chúc (Ảnh minh họa: Hải Long).
Bởi, không phải ai cũng có thể chọn sự xuất sắc nhất, sung sướng nhất. Mọi người chọn kỳ nghĩ lễ của họ thế nào là vấn đề của mỗi người, cần cảm thông, trân trọng.
Người lao động buồn chán vào dịp lễ
Chưa kể trên thực tế, bà Trần Bảo Vân, quản lý một công ty về giáo dục tại TPHCM cho hay, không phải ai cũng có năng lực để ở nhà trong dịp ngày lễ kéo dài, không phải ai cũng tìm thấy niềm vui tại nhà. Nhiều người phải đi, phải gặp gỡ, phải hoạt động mới tái tạo lại năng lượng để quay lại với công việc.
Tuy nhiên, theo bà Vân nhiều người rơi vào trạng thái chán nản trong dịp lễ thì không kể bối cảnh ở nhà hay đi đây đi đó. Có người đi khắp nơi nhưng vẫn rơi vào cảm giác chán nản, trống trải này.
“Nhiều nhân viên rất sợ nghỉ lễ. Ở công ty tôi, nhiều bạn đăng ký trực, làm việc xuyên lễ. Không chỉ vì để tăng thu nhập mà vì họ muốn giữ nhịp công việc, có người cứ nghỉ là có thể rơi vào trạng thái uể oải, chán nản”, bà Vân cho hay.
Về góc độ tâm lý, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi hội Trăng Non thuộc Hội Khoa học tâm lý, giáo dục TPHCM chia sẻ, cảm giác buồn bã kéo dài trong suốt một kỳ nghỉ lễ – đặc biệt là vào các tháng cuối năm – thường được gọi là “trầm buồn trong kỳ nghỉ lễ” (holiday blues; holiday depression).
Nghỉ lễ thường được xem là thời gian vui vẻ, hân hoan nhưng đối với một số người, đó có thể là khoảng thời gian suy ngẫm đau đớn, buồn bã, cô đơn, lo lắng.
Nhiều người rơi vào trạng thái buồn chán vào kỳ nghỉ lễ (Ảnh minh họa: H.N).
Ngay cả những người yêu thích các ngày lễ cũng có thể trải nghiệm những bản nhạc buồn trong mùa bận rộn này. Đặc biệt, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần trước đó thậm chí có thể dễ bị trạng thái trầm buồn trong kỳ nghỉ nhiều hơn.
Triệu chứng phổ biến nhất của chứng trầm buồn trong kỳ nghỉ lễ là cảm giác buồn bã kéo dài hoặc lặp đi lặp lại từ khi bắt đầu vào kỳ nghỉ lễ. Cảm giác này có thể khác nhau về cường độ và thời gian. Một số người có thể cảm thấy thất vọng theo định kỳ nhưng xen lẫn những khoảng thời gian ngắn cảm thấy lạc quan hơn.
Theo bác sĩ Tiến, thay đổi khẩu vị, thay đổi giờ giấc ngủ, tâm trạng chán nản hoặc cáu kỉnh, khó tập trung, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc mất niềm vui khi làm những việc bạn từng thích… là một số dấu hiệu thường thấy của chứng trầm buồn trong kỳ nghỉ lễ.
“Nếu kỳ nghỉ lễ trôi qua mà bạn vẫn cảm thấy chán nản hoặc lo lắng, bạn nên tìm đến các chuyên gia về sức khỏe tâm thần để xác định xem những gì bạn đang trải qua có phải là một chứng rối loạn tâm trạng nghiêm trọng hơn hay không”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.