Phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn do Bộ NN-PTNT quản lý, năm 2023, Bộ NN-PTNT được giao 9.852 tỉ đồng (trong đó vốn trong nước 8.052 tỉ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỉ đồng) và 1.614 tỉ đồng đề nghị kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023. Bộ đã phân bổ 98% kế hoạch vốn năm 2023.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, kết quả giải ngân đến ngày 31.3 là 1.378 tỉ đồng, đạt 14,1% (trong đó vốn trong nước 1.281 tỉ đồng, đạt 15,9%; vốn nước ngoài 97 tỉ đồng, đạt 5,4%). Ước giải ngân đến ngày 30.4 là 2.273 tỉ đồng, đạt 23,1% (trong đó vốn trong nước 2.053 tỉ đồng, đạt 25,5%; vốn nước ngoài 220 tỉ đồng, đạt 12,2%).
Theo ông Hiệp, nếu không tính nguồn vốn giao cho các địa phương, vốn đầu tư công trung hạn giao cho Bộ GTVT nhiều nhất, rồi đến Bộ NN-PTNT. Bộ GTVT và Bộ NN-PTNT chiếm tới 70 – 80% tổng vốn đầu tư công trung hạn. Cụ thể, Bộ NN-PTNT được cấp vốn đầu tư công khoảng 70.000 tỉ đồng, vốn ODA khoảng gần 30.000 tỉ đồng, như vậy tổng là gần 100.000 tỉ đồng.
Trước câu hỏi tại sao trong khi nhiều bộ, ngành “than” khó, gặp vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công thì Bộ NN-PTNT lại giải ngân khá hiệu quả, ông Hiệp chia sẻ: cách làm của Bộ NN-PTNT là không làm chủ đầu tư trực tiếp mà giao cho ban quản lý dự án của bộ hoặc ban quản lý dự án ở địa phương làm chủ đầu tư. Khi giao ban quản lý dự án làm chủ đầu tư, ban quản lý dự án được quyết hết mọi thứ nên rất dễ làm, nhanh hơn.
Nói giao cho ban quản lý dự án làm chủ đầu tư nhưng theo ông Hiệp, điều quan trọng là mọi vấn đề từ chủ trương đầu tư, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra… đều do Bộ NN-PTNT làm. Bộ vẫn là cơ quan phải chịu trách nhiệm về đầu tư.
“Theo luật thì các ban quản lý dự án hoàn toàn có thẩm quyền quyết định công việc tại hiện trường nên công việc trôi nhanh, chỉ những gì quá vướng mắc mới phải báo cáo lại để lãnh đạo bộ trực tiếp giải quyết”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Bộ NN-PTNT không làm chủ đầu tư nhưng làm tốt câu chuyện đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Dự án của Bộ NN-PTNT toàn nằm trong vùng sâu, vùng xa, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, phức tạp; có công trình rất lớn nhưng cũng có công trình rất nhỏ… Ví dụ, làm mô hình về sản xuất nhân giống lúa cho một viện, có khi vốn đầu tư chỉ 50 tỉ đồng cũng là một dự án; có dự án vốn đầu tư lại khoảng 5.000 – 7.000 tỉ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng…
“Các dự án rất nhiều, đa dạng. Về cơ bản, các dự án đều phải nghiên cứu rất lâu thì mới đầu tư. Làm một hồ, một đập ngăn sông có khi phải nghiên cứu 10 năm mới dám làm. Đầu tư công trình là không được phép hối tiếc vì không có cơ hội sửa chữa. Vì dự án đặc thù kiểu đó nên phân cấp càng mạnh, giải ngân càng tốt và ngược lại”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.
Với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công như hiện tại, ông Hiệp chia sẻ thêm, cả năm nay, Bộ NN-PTNT quyết giải ngân trên 100%; nếu được thì khi một số bộ, ngành có thể xin trả vốn đầu tư công, Bộ NN-PTNT sẽ xin thêm.
“Cán bộ làm đúng quy định, hết trách nhiệm là đã khác rồi”
Bàn rộng ra vấn đề tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đây là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Câu chuyện rất lớn ở đây là thể chế và các quy định liên quan tới đầu tư công. Thể chế ngày càng mở ra hay ngày càng đóng lại? Tự đặt câu hỏi trong quá trình trò chuyện, rồi ông Hiệp lại tự trả lời: “Theo dõi lâu tôi thấy rằng, thể chế không đóng lại, có phần mở ra”.
Làm tốt công tác tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân là một trong những yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công ngành nông nghiệp
Ví dụ rõ nhất có thể thấy là hiện nay, các nghị quyết của Chính phủ để giải quyết những việc rất cụ thể, thậm chí nghị quyết của Quốc hội cũng đã có hướng mở để giải quyết nhiều dự án cụ thể.
Trước đây, có một số câu chuyện về việc từ thông tư, nghị định đến luật có nhiều nội dung, có nhiều cách hiểu khác nhau. Với những trường hợp này, thường thì việc hiểu văn bản sẽ theo hướng để xử lý nhanh.
Nêu băn khoăn cũng văn bản đó tại sao trước đây xử lý nhanh, gọn mà bây giờ lại chậm, ông Hiệp lý giải: “Cùng một vấn đề nhưng nay lại đi theo hướng cần bài bản, chi tiết, cẩn trọng, đồng thời phải trích dẫn thêm điều luật ở những vấn đề khác nữa để dẫn đến cách hiểu của chính nội dung đó. Tất cả đang làm chậm lại”.
Nhìn nhận những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ KH-ĐT tập hợp đầy đủ, ông Hiệp cho rằng hiện có mấy nội dung cần sửa, đó là thẩm quyền phê duyệt dự án, vấn đề ủy quyền.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lấy ví dụ: “Chuyển đổi 20 ha đất lúa hay 1 m2 đất rừng phòng hộ… cũng trình Thủ tướng phê duyệt là không cần thiết. Những nội dung này hoàn toàn có thể ủy quyền cho địa phương phê duyệt dự án”.
Bên cạnh đó, trong câu chuyện thể chế, nội dung cần sửa còn là những vấn đề quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Đầu tư công vướng nhiều nhất mấy câu chuyện này.
“3 tháng gần đây, tốc độ phê duyệt của Chính phủ rất nhanh, tác động rất tốt gỡ khó đầu tư công, nhưng điều này chưa đủ. Vấn đề là quy hoạch địa phương, quy hoạch cấp dưới, khi được phép điều chỉnh thì phải mạnh dạn điều chỉnh. Địa phương làm điều này rất chậm”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Bên cạnh thể chế, con người là khía cạnh được lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhắc tới nhiều trong gỡ khó giải ngân vốn đầu tư công khi cho rằng “đa số công việc chỉ cần cán bộ làm đúng quy định, hết trách nhiệm là đã khác rồi”.
Trước câu hỏi liệu hiện nay có tâm lý cán bộ co lại cho an toàn, ít làm thì ít sai hay không, ông Hiệp chia sẻ: “Đúng là hiện nay có tâm lý co lại cho an toàn, nhưng nếu co lại cho an toàn rồi không làm thì nên nghỉ.
Trong giao ban của bộ về xây dựng cơ bản, tôi vẫn nói cần làm nhanh nhưng không ẩu, không sai pháp luật; yêu cầu làm đúng nhưng phải có thời hạn để giải quyết. Tất cả văn bản trả lời chung chung, tôi đều không ký. Các nội dung trình lên giải quyết và tham mưu phải rõ ràng là có hay không, chứ không có chuyện trả lời chung chung”.
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31.3 là 73.192,092 tỉ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 72.231,249 tỉ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong quý 1, có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đạt trên 15%. Có 49/52 bộ, cơ quan T.Ư và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%; trong đó 30 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân kế hoạch vốn.