3 thế hệ trong gia đình gần 50 năm gắn liền với rác
(Dân trí) – 48 năm, hơn 17.500 ngày, 3 thế hệ trong gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc (75 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đã gắn bó với công việc nặng mùi: Gom rác.
Đồng hồ đã điểm 17 giờ. Ông Ngọc vội vàng khoác thêm chiếc áo phản quang rồi chạy chiếc honda cũ băng qua cây cầu Chánh Hưng (quận 8, TPHCM) hướng về quận 5 (TPHCM).
Hôm 28/4, ngày làm việc cuối cùng của người dân TPHCM trước kỳ nghỉ lễ dài. Thế nhưng, đối với công nhân gom rác, đó lại là thời gian vất vả hơn thường nhật. Một phần các hộ gia đình tập kết toàn bộ rác thải trong nhà để chuẩn bị rời thành phố, một phần người ở lại tích trữ đồ ăn khiến lượng rác thải tăng.
“Làm mãi rồi quen! Thực tế cái nghề gom rác thường không có ngày nghỉ. Chỉ duy nhất mùng 1 Tết, dân không bỏ rác ra đường thì mình không gom, chứ dù trời nắng hay mưa, cả gia đình chú đều làm việc” – ông Ngọc cười.
Ấy vậy, 48 năm nay, gia đình ông Ngọc chưa bao giờ nghỉ ngơi. Và càng phải khâm phục, vì ở Sài Gòn rộng lớn này, hiếm hoi có gia đình nào như ông khi “cha truyền con nối”, 3 thế hệ đều đeo đuổi cái nghề nặng mùi này.
Đến nay gia đình ông Ngọc đã theo nghề gom rác hơn nửa đời người (Ảnh: Quang Ninh).
3 thế hệ gần 50 năm gắn liền với rác
“Nghề này lạ vậy đó, đến tận bây giờ anh chưa biết chơi lễ là gì? Thậm chí, sau Tết công việc sẽ nặng nhọc hơn vì thực phẩm đổ ra đường nhiều” – anh Nguyễn Long Chí Thắng (36 tuổi) nói vội rồi móc chiếc thùng rác tự chế vào sau đuôi xe, chở về điểm tập kết.
Từ thuở nhỏ, Thắng đã quen sống trong căn nhà ngập đồ đạc tái chế do bố mẹ nhặt về. Lên lớp 11, sáng đi học, tối cậu bé theo gia đình đi quét rác. Mặc dù gắn bó là vậy, thế nhưng để trở thành công nhân gom rác thực thụ, Thắng chưa bao giờ nghĩ đến.
“Học xong anh đăng ký học kỹ thuật rồi hành nghề chế tạo đồng hồ. Đến 13 năm trước, công việc nhiều mà bố mẹ già, không đành lòng nên anh quyết định bỏ tất cả để về phụ” – Thắng nói.
Anh Thắng là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề gom rác tại thành phố (Ảnh: Quang Ninh).
Tính đến Thắng thì đã là thế hệ thứ 3 trong gia đình ông Thắng gắn bó cái nghề ám mùi này. Bà Dông (65 tuổi) kể: Trước năm 1975, bà cùng mẹ từ quê nhà lên Sài Gòn lập nghiệp. Vì công việc khan hiếm, nên khi nhận được lời mời tham gia dọn rác ở quận 5, cả gia đình bà đều đồng ý ngay.
“Sau này mẹ mất, nhìn qua nhìn lại thì mình cũng đã trên 50 tuổi. Ông xã ở chiến trường về cũng quyết định theo mình”.
Mỗi ngày vợ chồng ông Ngọc đảm nhiệm dọn rác tại một số tuyến đường chính ở quận 5 (TPHCM) (Ảnh: Quang Ninh).
Cứ vậy, gia đình bà Dông đã theo nghề ngót nghét gần 40 năm làm công nhân gom rác. Tuổi đã cao nên hằng ngày bà Dông chịu trách nhiệm phân loại rác tại chỗ. Ông Ngọc sẽ là người trực tiếp đi thu gom ở từng hộ gia đình. Riêng anh Thắng thì đóng rác lên xe và vận chuyển đến khu vực xe xử lý. Công việc cứ lặp đi lặp lại như thế từ 8h đến 20h mỗi ngày.
“Hiện nay, trong Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5 thì vợ chồng bà Dông là gia đình đa thế hệ nhất và hành nghề lâu nhất. Ấy vậy, họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ” – ông Tống Văn Thơm, Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5, cho biết.
Ông Tống Văn Thơm chia sẻ gia đình ông Ngọc là những người dọn rác lâu nhất trong nghiệp đoàn của mình (Ảnh: Quang Ninh).
Nghề đối mặt nguy hiểm
18h, một nửa số lượng rác thải trong ca làm đêm đã được tập kết trước đường Trần Tướng Công (P10, quận 5). 4 đống rác hôm nay chủ yếu là rau hư tập kết từ chợ, ly nhựa, bao ni-lông, lon nhôm, băng vệ sinh và rác sinh hoạt của trường mẫu giáo cạnh đó. Các vật dụng tái sử dụng được ông Ngọc nhanh chóng nhặt bỏ vào túi.
Đối với nghề gom rác, ông chia sẻ rằng, tuy nhìn có vẻ đơn giản, thế nhưng lại rất nguy hiểm. Mỗi ngày công nhân phải tiếp xúc với vật sắc nhọn, chất độc, đặc biệt là mùi thối. “Nếu không quen thì chắc chắn không bao giờ theo được” – ông Ngọc khẳng định.
Nghề dọn rác luôn đối mặt hiểm nguy, trong đó là tai nạn giao thông (Ảnh: Quang Ninh).
Bên cạnh đó, những công nhân gom rác luôn ám ảnh nhất là tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra vào đêm khuya. Trong đó, 10 năm trước, một lần bất cẩn bị chiếc xe ba gác lật đè xương sống, em trai bà Dông đã bị bại liệt toàn thân. Sống thêm được 5 năm thì anh qua đời. Thế nhưng, điềm xui vẫn chưa dừng lại khi sau đó tới lượt em gái thứ 5 của bà bị xe tông khi đang trên đường gom rác về gây vỡ hộp sọ.
“Chính tôi cũng một lần qua đường bị xe máy hất văng lên trương. May mắn không sao nhưng từ đó tôi không dám làm buổi đêm nữa” – bà Dông nói.
Ngoài nỗi ám ảnh của tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, xe rác còn sợ nhất hoàn cảnh bị bể bánh, hư hỏng nửa đêm. “Bởi thời điểm này không còn tiệm nào mở cửa, nếu hên có mang theo bánh sơ-cua thì mình tự thay, không thì chỉ còn nước mình ở đó đợi tới sáng… Đó là một vài nỗi khổ không ai hiểu” – anh Thắng nói.
Gia đình nhà ông Ngọc đã có 2 người gặp tai nạn trong nghề (Ảnh: Quang Ninh)
Khoảng thu vài trăm đồng
Năm 2002, ông Tống Văn Thơm đứng ra vận động 172 công nhận gom rác tại quận 5 vào Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập. Ngay sau đó, nhằm giúp phòng tránh tai nạn giao thông, ông đứng ra kêu gọi người dân hỗ trợ áo phát quang, đồng thời lập quỹ thăm hỏi, động viên gia đình nếu xảy ra trường hợp đáng tiếc.
“Sự thật tôi chỉ đứng ra quản lý về mặt con người, chứ tiền bạc thì không, vì nghề này chẳng dư dả gì” – ông Thơm kể.
Trong đó, công nhân gom rác dân lập nhận thù lao trực tiếp từ các hộ gia đình đăng ký thu gom rác, với trị giá 50.000 đồng/hộ. Dựa trên số tuyến đường đã được đăng ký, gia đình ống Ngọc sẽ kiếm được 7-9 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, đây là khoảng thu nhập khá thấp với 3 người sống tại thành phố.
Để đảm bảo thu nhập, gia đình ông Ngọc phải làm nhiều nghề khác và thu gom ve chai từ rác (Ảnh: Quang Ninh).
Để tăng thêm tiền sinh hoạt, gia đình ông Ngọc phải nhận thêm công việc quét chợ, lau nhà và gấp giấy vàng mã vào thời gian rảnh. Ngoài ra, 4 chiếc túi phân loại đặt bên hông xe rác luôn là nguồn thu thứ cấp không thể thiếu của tất cả công nhân gom rác.
“Sau khi rác được gom về, cô sẽ trực tiếp phân loại để lọc lấy ly nhựa, giấy, bao ni lông, lon nhôm cùng các vật dụng tái sử dụng. Có khi là cả chiếc xe đạp, tivi mỏng bị vài hạt mè trên màn hình… Vì vậy mà nhiều đồ đạc trong nhà cô trước đây đều là rác” – bà Dông nói.
Những chiếc ly nhựa sẽ được thu mua với giá vài trăm đồng/ký, giấy là trên 1.000 đồng/ký, bao ni lông có chất liệu dỏm có thể bán tại chỗ, riêng một số sản phẩm tốt sẽ được ông Ngọc mang về nhà, rửa sạch và phơi khô để bán với mức giá 10.000 đồng/ký.
Những bao phân loại luôn được treo bên cạnh xe rác (Ảnh: Quang Ninh).
“Nhưng để phân loại từng thứ cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian” -vị Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5 chia sẻ.
“Tại sao không đặt vấn đề người dân sẽ giúp mình phân loại đầu tiên, hỗ trợ công nhân gom rác?” – phóng viên đặt câu hỏi.
“Đã rất nhiều lần chúng tôi đề xuất thế nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được” – ông Thơm đáp.
Niềm vui nho nhỏ
14h, cả gia đình ăn vội chiếc bánh mì đã được treo trên xe suốt buổi sáng rồi vội vàng trở về nhà. Hôm nay là một ngày “bội thu” khi ông Ngọc kiếm được hơn 100.000 đồng nhờ 5 bao rác phân loại buổi sáng và ít thịt gà từ cửa hàng thức ăn nhanh làm bữa ăn.
Anh Thắng cho biết, nghề rác tuy hôi thối và vất vả, thế nhưng anh chưa bao giờ hối hận khi từ bỏ tất cả để theo nghề. Thứ nhất, bởi chính anh đang giúp bố mẹ được tiếp tục hành nghề dù tuổi cao. Thứ 2, kinh tế không khá giả nhưng công việc tương đối ổn định, luôn có đồng ra đồng vao, ngay cả trong mùa dịch Covid-19.
14h-17h là thời điểm cả gia đình ông nghỉ ngơi cho ca làm việc buổi tối (Ảnh: Quang Ninh).
“Thế còn vợ con, anh đã nghĩ tới chứ? – phóng viên hỏi.
“Hồi đó, mình cũng có tìm hiểu vài người. Nhưng nghe mình làm rác họ thôi. Kệ! Chắc duyên chưa đến thì người ta chưa dám tới ấy mà” – Dũng cười, bẽn lẽn bước ra khỏi nhà.
24 giờ theo chân những công nhân gom rác vào dịp lễ đặc biệt – Ngày quốc tế Lao động 1/5, tôi lại càng trân trọng hơn đóng góp của họ cho thành phố này.
Bởi 48 năm nay, tức là hơn 17.000 ngày, ngoại trừ mùng 1 Tết, gia đình ông Ngọc chưa bao giờ nghỉ ngơi. Bởi trong chiếc ly nhựa trị giá 200 đồng/ký vẫn được gia đình ông nhặt nhạnh, tích góp với ước mơ cải thiện kinh tế gia đình. Bởi giữa những đêm hè, khi còn người ta trở về nhà, quây quần bên mâm cơm thì trên đường, những con người không tên vẫn “xào xạc tiếng chổi tre”. Đó là sự hy sinh thầm lặng cho sự sạch sẽ, tươi đẹp của thành phố.
Tôi xin dùng lời thơ của nhà thơ Tố Hữu để gửi cảm ơn tốt đẹp nhất đến những con người đặc biệt như thế ấy:
“Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đôngQuét rác…”
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Quang Ninh.
01/05/2023