Trong đợt xét tặng này, có 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong số 8 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh có tác giả Chu Chí Thành với bộ ảnh “Hai người lính” (4 ảnh).
Thời khắc không thể nào quên
Từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, nghệ sĩ Chu Chí Thành – nguyên Trưởng ban ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam – đã chụp hàng ngàn bức ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến bộ ảnh được trao giải kể trên.
Trong một lần trò chuyện với phóng viên cách đây mấy năm, ông đã kể về kỷ niệm ra đời của bộ ảnh. Khi ấy, ông với vai trò là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam được giao nhiệm vụ bám trụ cùng quân Giải phóng ở bờ bắc sông Thạch Hãn và theo dõi sự kiện trao trả tù binh khi Hiệp định Paris được ký kết.
“Trong khi chờ đợi các cuộc trao trả tù binh diễn ra bên sông Thạch Hãn, có những ngày nghỉ, chúng tôi đã tranh thủ đi đến vùng giáp ranh để xem xét tình hình. Hôm đó, vào khoảng cuối tháng 3/1973, chúng tôi đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đến nơi, tôi đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn đi qua giới tuyến sang địa phận quân Giải phóng để chơi. Gọi là giới tuyến nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng, có chỗ chăng dây, có chỗ là mô đất, có chỗ là dòng lạch nên hai bên đối mặt nhau.
Khi tốp lính Sài Gòn sang, có mấy anh bộ đội của ta ra đón. Lúc sau, họ hồ hởi nói chuyện và vỗ vai nhau. Thế rồi, những người lính Sài Gòn còn bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch. Đó là một khoảnh khắc quá đỗi bất ngờ so với suy nghĩ trước đó của tôi. Trong không khí vui vẻ, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một người lính giải phóng. Sau đó, anh ta đột nhiên lên tiếng nói với tôi: “Anh phóng viên chụp cho chúng em xin một bức ảnh kỷ niệm nhé!”. Nói rồi, anh vui vẻ khoác vai người lính ở bên kia bờ chiến tuyến. Đó cũng chính là giây phút bức ảnh “Hai người lính” lịch sử ra đời.
Với tôi, đó là minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Một người lính giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo và một người lính Việt Nam cộng hòa trong trang phục rằn ri đứng chung trong bức ảnh, hai người lính đã không còn có sự thù địch. Họ vốn là những người con của đất nước Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử mà bị đẩy vào hai chiến tuyến khác nhau. Mọi khoảng cách đều được xóa bỏ, ngày hòa bình đã không còn xa” – tác giả Chu Chí Thành bồi hồi nhớ lại.
Bức ảnh “Hai người lính” cùng nhiều bức ảnh khác của ông đã được công bố trong triển lãm “Những thời khắc không thể nào quên” tại Bảo tàng Cách mạng năm 2007, nhân dịp 35 năm Ngày ký Hiệp định và trong cuốn sách ảnh “Ký ức chiến tranh” xuất bản năm 2010, được tái bản trong dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
Vào năm 2018, tác giả bức ảnh đã có dịp hội ngộ với hai người lính năm xưa trong một cuộc gặp gỡ đặc biệt. Trao đổi với truyền thông về cuộc gặp gỡ này, tác giả Chu Chí Thành rưng rưng cảm động: “Chỉ vài tháng trước khi tôi chụp “Hai người lính”, thị xã Quảng Trị tan hoang. Hai người thực sự đã bước ra từ cõi chết. Chính lúc đấy họ hồn nhiên, sung sướng nhất, vốn là người lính chỉ biết nhằm đối phương mà bắn nhưng giờ hòa bình rồi, không phải làm công việc đó nữa. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng. Không hề nghĩ người cầm súng bên kia thù địch với mình nên tôi đã chụp bức ảnh và giữ đến giờ”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành. (Ảnh: Báo Tổ Quốc)
Khát vọng hòa bình
Ngoài bức ảnh “Hai người lính”, tác giả Chu Chí Thành còn có bức ảnh rất nổi tiếng khác là “Thoát khỏi ngục tù” được chụp vào ngày 26/3/1973 – ngày thực hiện các cuộc trao trả tù binh, tù chính trị giữa ta và địch, thực hiện Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973. Bờ Bắc sông Thạch Hãn là nơi tập kết tù binh quân đội Sài Gòn, còn bờ Nam là thị xã Quảng Trị, nơi tập kết các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong các nhà tù Mỹ – Thiệu để chờ trao trả.
Đứng bên bờ Bắc, Chu Chí Thành tận mắt chứng kiến cả hai dòng người đi ngược chiều nhau trên cùng một dòng sông. Từ phía bờ Nam, các chiến sĩ cách mạng khi ra đến bờ sông, nhìn thấy đồng đội đang đón chờ phía bên kia dòng sông, đã cởi phăng những bộ quần áo mà chính quyền Sài Gòn trang bị như một lần nữa khẳng định ý chí không khuất phục mà các anh đã gìn giữ, khẳng định suốt những năm tháng tù đày, tra tấn.
Khi xuồng máy của phía Sài Gòn đưa các chiến sĩ ra giữa sông, các anh nhảy ào xuống, còn ở bờ Bắc, đồng đội của các anh quân phục chỉnh tề cũng lao xuống sông để đón những người vừa thoát gông xiềng. Phút giây những bước chân vội vã rẽ nước sông Thạch Hãn, những giọt nước bắn tung lên trắng xóa, những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt, những cánh tay vươn ra như muốn ôm tất cả vào lòng… tất cả đã được ghi lại trong bức ảnh “Thoát khỏi ngục tù” của Chu Chí Thành. Tưởng như không có niềm vui nào bằng, không có hạnh phúc nào hơn. Ngục tù đã mở ra không chỉ từ chữ ký tại Paris, mà còn là máu và nước mắt của cả một dân tộc đã phải ra trận. Biết bao năm không ngưng nghỉ, biết bao năm đạp lên bom đạn mà đi…
“Có mặt ở bờ sông Thạch Hãn lúc đó mới thấy rõ hơn lúc nào hết khát khao hòa bình của những con người ở cả hai chiến tuyến, khát khao hòa bình của cả một dân tộc. Nỗi mong mỏi hòa bình đều cùng ánh lên trong ánh mắt, nụ cười của những con người trên sông, dù những bước chân của họ đang đi ngược nhau về hai phía. Niềm vui không thể che giấu trên khuôn mặt từng người…” – nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại.
Trong số 8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này có tác giả Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước) với thiết kế mẫu Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động; Thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam; tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên.
Tiếp phóng viên trong căn nhà nhỏ ở tầng 5 khu tập thể Thành Công, Hà Nội, bà Bùi Minh Thủy, người con gái thứ bảy của họa sĩ Bùi Trang Chước mở đầu câu chuyện về cha mình: “Cha vẫn thường dạy chúng tôi rằng không nên nói nhiều mà hãy trả lời bằng việc làm của mình. Cả đời cha đã sống như vậy, chỉ đến khi qua đời, ông mới trăng trối lại điều khúc mắc sau cùng về việc nhầm lẫn tác giả mẫu Quốc huy cho con cái biết…”.
Theo lời kể của bà Bùi Minh Thủy, từ năm 1955, tác giả Quốc huy Việt Nam được xác định là của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn. Tuy nhiên, từ sau khi họa sĩ Lê Lam có bài “Người vẽ Quốc huy” đăng trên Báo Nhân dân cuối tuần ngày 9/9/2001 khẳng định họa sĩ Bùi Trang Chước là người sáng tác và thực hiện các phác thảo Quốc huy thì vấn đề được xem xét lại và sự thật dần được sáng tỏ.
Trong quá trình đi thu thập tài liệu làm chứng cứ, bà Bùi Minh Thủy đã có hàng tháng trời vào Cục Lưu trữ nhà nước để sao chụp các văn bản liên quan. Tại đây bà nhận thấy, bản Quốc huy đã được Chính phủ thông qua trong Cục Lưu trữ lại giống đến 99% so với mẫu mà gia đình đang giữ bản gốc từ năm 1955 cũng như so với bản tờ rơi về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy mà Quốc hội thông qua tháng 9/1955. Những bằng chứng này càng thôi thúc bà Thủy trên hành trình đi tìm lại sự thật cho cha.
Sau hành trình gần 20 năm viết đơn từ, thu thập bằng chứng, giờ đây còn lưu giữ trong hai cuốn sổ khổ A3 mỗi cuốn dày cả gang tay, nặng cả chục ký lô tại nhà bà Bùi Minh Thủy, tháng 9/2014, Bộ VH,TT&DL đã có công văn chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tác giả Quốc huy Việt Nam, trong công văn có đoạn: “Mẫu Quốc huy là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước – người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện”.
Hiện tại, bà Bùi Minh Thủy còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm của cha mình – họa sĩ Bùi Trang Chước. Không chỉ là tác giả của Quốc huy Việt Nam, ông còn là người Việt Nam và người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư và giấy bạc (tiền) với danh xưng nhiều người biết đến là “ông tổ vẽ tem bưu chính Việt Nam” và “cha đẻ của mẫu tiền giấy Việt Nam”. Anh trai thứ hai bà Thủy, họa sĩ Bùi Trang Toàn (1947 – 2012) cũng nối nghiệp cha, trở thành tác giả của nhiều mẫu tiền giấy Việt Nam sau này.