Nhiều người trẻ từ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… trở về quê ở các tỉnh, thành miền Tây để nghỉ lễ đã dẫn đến phương tiện bị ùn tắc và kẹt xe kéo dài nhiều km trên tuyến quốc lộ 1A.
Hành khách ngồi vật vã, chen chúc chờ lên xe về quê nghỉ lễ
Vừa kết thúc buổi học vào trưa ngày 28.4, Hồ Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã nhanh chóng trở về ký túc xá thu dọn hành lý để về quê ở Trà Vinh với hy vọng tránh cảnh tắc đường. Tuy nhiên, kế hoạch của cô gái thực hiện đã không suôn sẻ như mong đợi.
Minh Anh cho biết: “Mình bị ùn tắc 2 lần trên đoạn đường từ TP.HCM về quê nhà ở tỉnh Trà Vinh. Lần thứ nhất bị kẹt xe ở gần cầu Bình Chánh (TP.HCM) mất khoảng 1 tiếng đồng hồ mới qua đoạn đường này, lần thứ hai là bị kẹt xe ở cầu Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre) gần 1 tiếng đồng hồ. Khi đến nhà, toàn thân mình rệu rã, không còn sức để làm việc gì, nằm ngủ một giấc gần 3 tiếng mới đỡ uể oải. Những kỳ nghỉ lễ sắp tới, mình sẽ không chạy xe máy về quê vì không chịu nổi cảnh kẹt xe, thời tiết nóng nực, tiếng kèn xe inh ỏi, xe cộ chen nhau từng chút một. Thật đáng sợ!”.
Việc kẹt xe kéo dài, ngồi quá lâu trên xe máy, xe khách không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà người trẻ còn gặp phải trạng thái tinh thần uể oải.
Xem nhanh 20h ngày 29.4: Biểu tượng xa xỉ ‘vụt tắt’ vì thua lỗ | Kẹt cứng ở phà Cát Lái ngày đầu kỳ nghỉ lễ
“Mình xuất phát lúc 16 giờ ngày 28.4 từ Q.Tân Phú (TP.HCM) hướng về miền Tây. Khi tới địa phận H.Bến Lức (tỉnh Long An) thì dòng xe đông đúc, nhích từng chút một. Cảnh kẹt cứng tới mức có đoạn cả tiếng đồng hồ xe chỉ nhích được vài chục mét, quá mệt mỏi nên mình mới dừng chân vào quán nước bên đường để chờ bớt kẹt xe để đi tiếp. Ai ngờ mình ngồi ăn uống, ngủ nghỉ 2 tiếng đồng hồ, đến khoảng 19 giờ ngó ra vẫn còn thấy dòng xe kẹt cứng”, Lê Yến Như, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chia sẻ.
23 giờ, Yến Như mới về đến nhà ở tỉnh Tiền Giang. Nữ sinh mệt lả, thay quần áo xong là nằm vật ra giường ngủ, đồ đạc, quần áo trên xe cô gái để trưa hôm nay mới sắp xếp, dọn dẹp. Quãng đường từ TP.HCM về Tiền Giang ngày thường lái xe chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ thì lần đi này Như tốn đến 7 tiếng đồng hồ.
Dòng người nhích từng chút trên Quốc lộ 1A đoạn qua H.Bình Chánh, TP.HCM vào chiều 28.4
Cũng rơi vào tình trạng tắc đường khi di chuyển từ TP.HCM về quê, Lê Anh Kiệt, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “17 giờ chiều 28.4, mình bắt xe buýt di chuyển từ Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đến bến xe miền Tây. Mình mất 2 tiếng đồng hồ mới di chuyển đến bến xe, trong khi ngày thường đi khoảng 1 tiếng là đến nơi. Vừa đến nơi, mình phải đứng xếp hàng gần 30 phút mới mua được vé xe. Hơn 21 giờ mình mới lên được xe về nhà”.
Anh Kiệt cho biết do kẹt xe nên anh phải mất đến 5 tiếng đồng hồ di chuyển đoạn đường từ TP.HCM về nhà ở tỉnh Tiền Giang, trong khi ngày thường Kiệt tốn khoảng 2 tiếng đồng hồ là về đến nhà. Kiệt nói: “Kẹt xe kéo dài khiến laptop, điện thoại mình rơi vào tình trạng hết pin, không thể làm việc gì. Mình đành nằm trên xe chịu trận. Về đến nhà hơn 2 giờ sáng, mình ê ẩm cả người”.
Lượng người đông đúc, chen chúc lên xe về quê nghỉ lễ
Tại bến xe miền Tây, lượng khách tăng cao khiến bến xe đông nghẹt người. Các dãy ghế bên trong sảnh chờ mua vé không còn chỗ trống. Nhiều người nằm, ngồi vạ vật trên nền nhà để chờ lên xe về nhà.
Hơn 19 giờ tối 28.4, Nguyễn Thị Thanh (25 tuổi), đang làm việc tại Công ty Pouyuen (Q.Bình Tân, TP.HCM) đến bến xe miền Tây để mua vé xe về quê nghỉ lễ. Đứng giữa dòng người tấp nập, đông đúc chờ đợi lên xe về nhà, Thanh chia sẻ: “Dù 23 giờ, mình mới lên nhưng từ 19 giờ mình đã di chuyển đến đây để lấy vé xe, chờ đợi đến giờ xuất phát. Đi xe khách về nhà trong những ngày này thật vất vả”.
Lựa chọn xe khách về nhà nghỉ lễ, Lê Trọng Hưng (26 tuổi), ngụ tại chung cư Lê Thành (Q.Bình Tân, TP.HCM) phải chạy xe máy đến bãi giữ xe để gửi, sau đó lên xe khách về quê. Tuy nhiên, do lượng người gửi xe quá đông khiến nhà xe quá tải, Trọng Hưng không thể nào gửi được xe máy.
Hưng nói: “Không gửi được xe máy, mình phải chạy về nhà ở Q.Bình Tân để cất xe máy. Sau đó mình sẽ bắt xe ôm công nghệ đến bến xe. Cũng may mình đến bến xe trước giờ xe khách xuất phát khoảng 2 tiếng nên còn thời gian chạy xe máy về nhà”.