Thủ tướng phát động tháng công nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động tháng công nhân – tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 (từ ngày 1/5).

Phát biểu tại lễ phát động chiều 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng lực lượng lao động Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, trong đó nhiều chuyên gia, lao động có trình độ ngang tầm khu vực lẫn quốc tế. Người Việt dần đảm nhiệm công việc phức tạp mà trước đây cần tới chuyên gia nước ngoài. Riêng công nhân ngày càng giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế xã hội, chiếm 14% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động ngày 27/4. Ảnh: Quang Hùng

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động ngày 27/4. Ảnh: Quang Hùng

Thủ tướng nhận định đất nước dần hình thành lớp công nhân trẻ được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong lẫn ngoài nước. Song thế giới nhiều biến động, chuyển đổi số, tự động hóa, AI đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến thu nhập đòi hỏi công nhân, lao động cần thích ứng linh hoạt với những thay đổi này.

Ông bày tỏ trăn trở trước một bộ phận lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững, nhiều người bị mất việc, giảm giờ làm, thu nhập. Nhu cầu về nhà ở và các thiết chế cơ bản của người lao động rất lớn nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhiều công xưởng còn chật hẹp, môi trường làm việc nhiều tiếng ồn, hóa chất vượt tiêu chuẩn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe công nhân. Tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện khi trung bình mỗi năm xảy ra hơn 6.000 vụ khiến hơn 600 người gặp nạn, nhất là lĩnh vực xây dựng, điện, khai thác than khoáng sản.

“Đảng, Nhà nước thấu hiểu và chia sẻ những vấn đề người lao động đang phải đối mặt, đồng thời luôn quan tâm, ban hành chính sách hỗ trợ, đảm bảo đời sống tốt hơn cho người lao động”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các cấp ngành cùng quan tâm đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ ngành liên quan tập trung triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng công trình phúc lợi, văn hóa phục vụ người lao động và gia đình, nhất là các khu công nghiệp, chế xuất tập trung đông công nhân.

Công đoàn Việt Nam cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân để kịp giải quyết vướng mắc, giữ an toàn lao động để công nhân yên tâm làm việc. Bộ ngành đồng thời sớm có giải pháp xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng.

Lực lượng lao động cả nước gồm 52 triệu người, trong đó khoảng 24,5 triệu làm công hưởng lương, riêng công nhân trong doanh nghiệp chiếm khoảng 60%.

Hồng Chiêu