Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 25/4, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đã trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới quy mô cho vay và trái phiếu đối với Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam, cũng như định hướng tiếp theo của MBBank khi nhóm khách hàng là các doanh nghiệp lớn này đang gặp khó khăn.
Theo đó, lãnh đạo MBBank cho biết, đối với Hưng Thịnh, MBBank không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp.
Trong khi đó, Novaland là đối tác bất động sản lớn với nhiều bên, MBBank có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tính đến hiện tại số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Hiện ngân hàng vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu đủ gốc và lãi và dự kiến là không có áp lực nợ xấu trong năm 2023.
Còn đối với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trời, hiện vẫn trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch MBBank Lưu Trung Thái cũng cho biết, vấn đề với bất động sản không chỉ là của riêng Novaland mà toàn ngành bất động sản. Theo vị lãnh đạo này, vấn đề lớn nhất là vấn đề pháp lý không phải là vấn đề tài chính. Tài chính là vấn đề hậu quả. Hiện nay, để có thể mở bán các thủ tục cũng kéo dài tới vài năm.
Theo lãnh đạo ngân hàng, MBBank tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ như cổ đông nói. MBBank kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 8% trong tổng cho vay. Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay.
MBBank cũng khẳng định không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, không có đầu tư gì với Novaland. MBBank là chủ nợ đứng thứ 4 -5 trong cho vay Novaland.