Nơi thiếu, nơi thừa lao động
Theo bản tin thị trường lao động quý I/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thị trường lao động có sự phục hồi khi xu hướng tuyển dụng, tìm kiếm việc làm đều có sự khởi sắc nhất định.
Thông qua phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của các doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm việc làm từ internet trong quý này, đã có 16.730 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 lao động tìm việc.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, xu hướng tuyển dụng yêu cầu trình độ từ đại học trở lên chiếm 49,4%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chiếm 42,3%, không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật 8,3%. Người lao động tìm việc kỳ vọng mức lương phổ biến từ 5 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm đến 40,9%; có 27,1% kỳ vọng mức lương từ 10 – 15 triệu đồng.
Có 5 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng, nhiều nhất là thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
Trong khi đó, 5 nghề được người lao động tìm việc nhiều nhất là lao động giản đơn trong lĩnh vực công nghiệp; nhân viên bán hàng và kinh doanh; kế toán và tài chính; quản lý sản xuất; quản lý nhân sự và quản lý dự án.
5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông; kế toán và tài chính; kinh doanh, bán hàng quản lý sản phẩm; tư vấn sức khỏe và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe; kỹ sư cơ khí, điện tử, tự động hóa.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm trong quý II, tăng thêm 150.000 người so với quý I (51,1 triệu người có việc làm). Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính và sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, sản xuất chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600; sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 người.
Người lao động tìm kiếm việc làm (Ảnh: Thanh Bình).
Mặc dù có sự khởi sắc, song Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý 2. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm. Dự báo các ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…
Tổng cục Thống kê cho biết, có gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong 3 tháng đầu năm. Cả nước có gần 118.000 động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng gần 149.000 người.
Lao động mất việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai, khoảng gần 32.600 người; Bình Dương gần 21.700 người, Bắc Ninh 14.000 người, Bắc Giang là 7.700 người,…
Đông Nam Bộ trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng giảm sút đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn. 3 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực này tăng lên 1,75% so với 1,52% của quý trước, đi ngược với xu hướng giảm chung của cả nước.
Khó khăn không thể khắc phục “một sớm, một chiều”
Đánh giá về thị trường lao động, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho hay: “Vừa qua, Việt Nam đã ban hành một loạt các chương trình phát triển thị trường lao động, hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tham gia các hiệp định về thương mại với các nước. Chúng ta thực thi các biện pháp cùng với sự cố gắng của doanh nghiệp và người lao động. Tôi cho rằng bức tranh thị trường lao động những tháng tiếp theo sẽ sáng hơn, tích cực hơn”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, vẫn phải lường trước những diễn biến khó lường của thị trường, tác động đến việc làm. Những khó khăn đã, đang gặp phải không phải “một sớm, một chiều” khắc phục được ngay, như ảnh hưởng dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế…
Để phục hồi thị trường lao động, ông Trung cho rằng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó cần nắm chắc thị trường lao động, ngành gì, thiếu bao nhiêu, loại lao động gì? Từ đó, có sự kết nối giữa người cần việc và việc cần người.
“Ngành lao động đang thực hiện kết nối việc làm truyền thống từ sàn giao dịch trực tiếp, online. Tuy nhiên, cũng cần tính toán lâu dài, định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc THCS, THPT. Ở đây, Việt Nam thực hiện theo phương châm 3 cùng, cùng tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo”, ông Trung nhấn mạnh.
Đối với nhóm lao động bị giảm việc, mất việc, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm đề nghị ngành lao động cùng tổ chức công đoàn nắm chắc sự biến động của thị trường, phân loại số lao động này. Lao động nào đáp ứng điều kiện cần cung ứng ngay cho doanh nghiệp thiếu lao động. Còn số lao động thiếu kỹ năng, tay nghề, cần hỗ trợ họ tham gia đào tạo, bổ túc, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu hiện nay của doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. Có doanh nghiệp tồn tại, mới giữ chân người lao động. Giữ được chân người lao động sẽ đỡ chi phí tuyển dụng sau khi sản xuất phục hồi”, ông Trung cho hay.