Những nét mực chứa cả cuộc đời
Với niềm đam mê nghệ thuật xăm hình, cùng với hàng chục năm cống hiến, nghệ sĩ Trung Tadashi vẫn chưa thôi vui mừng, sau khi nhận kỷ lục cho quyển sách “Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình” do chính tay anh viết.
Quyển sách được trao danh xưng Cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu về nghệ thuật xăm hình Á Đông, bằng song ngữ Anh – Việt.
Nghệ sĩ Trung Tadashi nhận kỷ lục Việt Nam cho quyển sách “Sự mê hoặc từ nghệ thuật xăm hình” – Cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu về nghệ thuật xăm hình Á Đông, bằng song ngữ Anh – Việt (Ảnh: Nguyễn Vy).
Đối với Trung Tadashi, hình xăm không phải sở thích bộc phát của người trẻ, hay là thứ để giới giang hồ “khè” nhau. Ngay từ xưa, hình xăm đã là thứ để ngư dân hóa trang thành thủy tộc tiện lợi cho việc đánh cá, quân lính xăm ký hiệu của nhà vua để đánh dấu quân đội của triều đình.
Thời nước ta có tên là Văn Lang, người dân đánh bắt cá thường bị Giao Long quấy phá. Vua Hùng cho rằng chúng ta là dân tộc trên núi, không phải loài Rồng dưới nước, nếu biết hóa trang thành Rồng dưới nước trông giống như con cháu của Long Vương thì Giao Long sẽ không gây trở ngại nữa.
Vua ra lệnh cho dân lấy màu xăm vào người, hóa trang cơ thể giống như loài Rồng để thuận lợi cho việc đánh cá. Nối tiếp tục lệ của người Việt cổ, tục lệ xăm tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào thời Lý – Trần.
Đặc biệt vào thời nhà Trần, từ vua quan đến thần dân ai cũng thích xăm hình vào người. Tập tục này đã thể hiện sự yêu thích của người đương thời với nghệ thuật xăm hình, xem đó như một phần nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt.
Tìm hiểu được ý nghĩa đó, từ nhỏ, Trung đã sớm đam mê môn nghệ thuật chưa “kịp” nổi. Tuy nhiên, thời điểm đó không có nhiều điều kiện hay tư liệu tham khảo, Trung đành âm ỉ sự đam mê trong lòng.
Đối với Trung, tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho anh (Ảnh: Nguyễn Vy).
Xuất thân là họa sĩ kí họa, anh có sẵn năng khiếu vẽ ngay từ khi còn nhỏ, đam mê và tự luyện tập vẽ kí họa từ bé và tự học nghề xăm hình nghệ thuật từ năm 2009.
“Thời điểm đó, xăm mình vẫn còn là cái gì đó lạ lẫm đối với nhiều người. Trong đó có gia đình tôi. Cả nhà đã rất phản đối khi biết tôi muốn theo công việc này. Nhưng tôi đã dùng thời gian chứng minh, chỉ cần nếu công việc đó không hại đến ai thì tôi tin bản thân sẽ theo đuổi được đến cùng”, anh Trung nói.
Đối với Trung, hình xăm càng khó, càng chi tiết thì Trung càng “khoái”. Chẳng hạn như hình con rồng, chim phượng hoàng – những biểu tượng quan trọng trong nền văn hóa Á Đông.
Hình xăm càng chi tiết, phức tạp, Trung càng thấy tâm đắc hơn (Ảnh: NVCC).
Hướng đến xăm hình nghệ thuật, đồng nghĩa với việc đầu tư nhiều hơn cho nét vẽ. Khác với các kỹ thuật xăm thường thấy, Trung thực hiện kỹ thuật vẽ tay trực tiếp lên da (freehand), nhằm cảm nhận được độ co giãn của hình vẽ, ôm trọn được khối cơ trên cơ thể.
“Theo đuổi xăm hình nghệ thuật, người nghệ sĩ phải biết cách kết hợp các chi tiết sao cho hợp lý và uyển chuyển. Hơn hết, hình phác thảo từ trước phải thật tinh xảo, thể hiện sự dũng mãnh, cao thượng của rồng, phượng hoàng. Tôi từng bỏ ra hơn 7 tiếng đồng hồ để thiết kế một tác phẩm hình xăm trên giấy A4 và chuyện đó vô cùng bình thường khi chúng ta đặt hết tâm huyết vào nó”, Trung bộc bạch.
Thành tích đếm không xuể
Với niềm đam mê to lớn, Trung càng tìm hiểu sâu và hiểu hơn về nghệ thuật xăm. Cơ hội đến dần, Trung càng trở nên có tiếng trong ngành xăm và thành công tại hàng loạt các cuộc thi lớn nhỏ trong, ngoài nước.
Từ năm 2013, Trung Tadashi bắt đầu gặt hái được những thành công đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Từ đó, Trung ngày càng nổi tiếng, các giải thưởng nhiều đếm không xuể và được mời làm giáo khảo tại các cuộc thi, triển lãm trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến việc Trung có 5 năm liên tục làm giám khảo của 5 mùa lễ hội Vietnam Tattoo Convention.
Nhiều giải thưởng đếm không xuể, những lần được mời làm giám khảo cho các cuộc thi lớn khiến Trung càng có động lực cống hiến cho bộ môn nghệ thuật này (Ảnh: NVCC).
Nhìn lại quãng đường theo đuổi đam mê, Trung có đôi lần gục ngã tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng chàng trai đã mạnh mẽ vượt qua. Đối với Trung, mong ước lớn nhất của anh là đưa xăm hình trở thành một môn nghệ thuật được công chúng thừa nhận, đánh giá cao.
Kể về quá trình theo đuổi nghề nghiệp, Trung nhớ nhất về không ít lần gặp khách hàng có câu chuyện đặc biệt. Trong đó, có lần Trung gặp một người đàn ông vừa li dị vợ, có hai đứa con nhưng vì thua kiện nên không thể nuôi dưỡng bé nào. Chàng trai ấy đề nghị anh Trung xăm hình một con gấu lớn, trong tay ôm hai con gấu nhỏ phía dưới.
Mỗi một hình xăm thực hiện, Trung đều dồn hết tâm huyết vào đó (Ảnh: NVCC).
“Lắng nghe câu chuyện của khách hàng, tôi xúc động và quyết định xăm miễn phí cho anh ấy. Người cha đó đã ôm tôi và khóc nức nở. Những khoảnh khắc nhỏ như vậy càng tạo cho tôi nhiều động lực, khiến tôi ngày càng tin rằng mỗi hình xăm đều mang câu chuyện, thông điệp riêng. Hình xăm không xấu, chỉ là chúng ta có làm cho nó đẹp hay không”, nghệ sĩ xăm nghệ thuật Trung Tadashi tâm sự.
Theo họa sĩ Trung Tadashi, người nghệ sĩ xăm hình và người thợ xăm hình cùng làm một công việc giống nhau, thế nhưng linh hồn của tác phẩm thì luôn khác nhau.
“Vì thế đừng chỉ nghĩ trăm hay không bằng tay quen là đủ. Hãy rèn luyện tâm hồn để trở thành một nghệ sĩ, cái tâm ảnh hưởng đôi mắt, đôi mắt ảnh hưởng đôi tay, đôi tay tạo thành tác phẩm, và tác phẩm đó sẽ mang linh hồn của người sáng tạo, thể hiện phong cách riêng của người nghệ sĩ”, Trung Tadashi nói.