Sau gần 20 năm, mức lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của chị Đặng Lan tăng dần từ 1,3 lên gần 6 triệu đồng, trong khi thu nhập thực tế cao gấp ba lần.
Làm việc trong một tập đoàn công nghệ ở Hà Nội, chị Đặng Lan, 48 tuổi, từng kiến nghị với lãnh đạo công ty nâng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH lên sát thu nhập. Chị lo ngại duy trì mức đóng thấp đến khi về hưu lương chưa nổi 3 triệu đồng, không đủ tiền đi chợ mua thức ăn một tháng.
Tuy nhiên, kiến nghị của chị Lan bị từ chối vì làm tăng chi phí doanh nghiệp. Bản thân không thể nhảy việc sang nơi đóng BHXH cao, chị Lan đành trích lương gửi tiết kiệm ngân hàng để có khoản phòng thân.
Ý thức tầm quan trọng của lương hưu, chị Lan nói thế hệ 7X như chị sinh ra thời bao cấp, luôn mang nỗi sợ đói nghèo nên phải có khoản phòng thân, khác với người trẻ bây giờ giỏi đầu tư và không coi trọng hưu trí. Chị cũng không muốn con cái sau này trở thành “bánh mì kẹp”, vừa phải chăm lo gia đình vừa phải nuôi cha mẹ không có lương hưu.
Trước đề xuất tiền lương đóng BHXH trên 70% thu nhập, chị Lan rất ủng hộ. Theo phương án này, mỗi tháng chị sẽ trích đóng gần 1,2 triệu đồng, là mức chấp nhận được, chỉ cần bớt các khoản mua sắm. Chị cũng đề nghị cơ quan quản lý lấy bình quân lương những năm cuối để làm căn cứ đóng BHXH; Bảo hiểm xã hội minh bạch thông tin số tiền lao động đóng vào Quỹ hàng năm.
Mức lương làm căn cứ đóng BHXH của một lao động năm 2019 ở mức 4,9 triệu đồng, nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng I (4,18 triệu) gần 12%. Ảnh: Hồng Chiêu
Cũng muốn nâng mức đóng BHXH để hưởng lương hưu cao, anh Nguyễn Thanh Tùng đã rời bỏ một doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam sau 5 năm gắn bó để đầu quân cho công ty có vốn Nhật Bản. Không tiết lộ mức thu nhập cụ thể song mỗi tháng anh đang trích hơn 2 triệu đồng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội. “Đóng cao thì đau ví, song hưởng cũng cao hơn. Công ty trích 14% thì người lao động vẫn lợi hơn là tự gánh gồng toàn bộ như người đóng BHXH tự nguyện”, anh nói.
Làm việc ở cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, anh Tùng nhận thấy sự khác biệt trong chế độ cho lao động. “Chẳng hạn, trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng được hưởng bằng 60% của mức đóng 5 triệu đồng của công ty cũ so với 20 triệu của công ty mới đã khác một trời một vực”, anh lấy ví dụ, thêm rằng một số đồng nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 10 triệu đồng.
Theo thống kê giai đoạn 2016-2021, mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc toàn quốc chỉ tăng 13%, lên gần 5,7 triệu đồng. Mức này theo tính toán mới đạt khoảng 75% tiền lương bình quân của lao động làm công hưởng lương. Ở khu vực ngoài quốc doanh, tiền lương tính đóng BHXH của lao động còn thấp hơn, chỉ 5,1 triệu đồng. Phần lớn doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động trên nền lương tối thiểu vùng cộng 5-7% phụ cấp độc hại hoặc qua đào tạo. Số được đóng BHXH trên nền tổng thu nhập như anh Tùng rất ít.
Để đảm bảo đời sống người lao động khi về hưu, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội kiến nghị tiền lương tính đóng BHXH ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của lao động. Ví dụ mỗi tháng lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%). Người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu này vào Quỹ Hưu trí tử tuất.
Lý giải về “các khoản có tính chất như lương”, ông Mến cho biết đây là phần thu nhập thường xuyên được trả vào mỗi kỳ lương như phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, trừ các loại tiền thưởng, sáng kiến. Nếu không quy định đóng trên các khoản “thường xuyên” này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chẻ thu nhập của lao động dưới tên gọi khác nhau để giảm bớt tiền đóng BHXH. Từ đó, các chế độ như tiền thai sản, ốm đau, thất nghiệp hoặc lương hưu sau này của lao động rất thấp.
Nâng tiền lương làm cơ sở tính đóng BHXH là biện pháp căn cơ cải thiện lương hưu, theo nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân. Nghị quyết 28/2017 của Trung ương nêu rõ trong kết cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thì 70% là tiền lương và 30% là các phụ cấp có tính chất tiền lương. Vì vậy, toàn bộ thu nhập của nhóm này sẽ được dùng làm căn cứ tính đóng BHXH, trừ tiền thưởng bởi không thường xuyên. Còn trong khu vực doanh nghiệp, mức đóng trên tiền lương lẫn phụ cấp đã được quy định, nhưng qua thực thi không hiệu quả khiến lương hưu rất thấp.
Theo ông Huân, tỷ lệ trích đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất của Việt Nam lần lượt 8% với người lao động và 14% với chủ sử dụng là cao so với các nước, song nền tiền đóng lại rất thấp khiến lương hưu không thể cải thiện. Nếu không nâng được nền đóng lên, bài toán lương hưu không đủ sống sẽ càng nan giải. Song hiện phần lớn doanh nghiệp trong nước quy mô vừa và nhỏ, công nhân thu nhập thấp, phải liên tục tăng ca mới đủ sống, nên việc nâng mức đóng cần có lộ trình, phân chia khu vực cho phù hợp theo sức khỏe nền kinh tế.
Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng muốn lương hưu cao phải nâng nền đóng BHXH. Nhưng số người đóng được ở mức cao sẽ rất ít, bởi nguồn lực doanh nghiệp có hạn. Lộ trình được lựa chọn sẽ đi từ chỗ chưa có gì đến có ở mức thấp rồi dần cải thiện tiền đóng BHXH.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng. Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, gồm mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.
Phương án hai đề xuất khoản tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền tính đóng là tổng các khoản ghi trong hợp đồng lao động và biến động trong quá trình làm việc của người lao động. Mục đích là nâng mặt bằng lương đóng BHXH để hưởng mức lương hưu cao.
Khảo sát trực tuyến của VnExpress trên hơn 4.700 người cho kết quả 29% đồng tình đóng BHXH theo phương án hiện hành, gồm mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung xác định trước trong hợp đồng; 17% muốn đóng trên tổng mức lương, phụ cấp, khoản bổ sung xác định trước và biến động trong quá trình làm việc; 42% đồng ý đóng trên 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương; 12% còn lại chọn phương án khác.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Hồng Chiêu