Nói về chuyện đang xảy ra với mình, Minh Đức, 27 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM tự thấy là “nghe rất khó tin”. Đức chỉ dám thổ lộ với người đồng nghiệp thân thiết về “bí mật” mình đang chịu đựng nhiều tháng nay.
Nặng 75kg, hơn 1m80, đi làm hơn 5 năm, Đức chưa một lần mảy may nghĩ có ngày bản thân trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công sở.
Đức sốc khi bị nữ đồng nghiệp quấy rối tình dục (Ảnh minh họa: Internet).
Nữ đồng nghiệp mà Đức nhắc kém cậu một tuổi, mới chuyển đến công ty nửa năm nay. Tuy nhiên, thuộc hai bộ phận khác nhau nên trước giờ Đức không mấy khi tiếp xúc với cô gái này.
Mới đây, đi uống cà phê cùng đồng nghiệp, Đức với nữ nhân viên mới có dịp trao đổi, trò chuyện. Tưởng chỉ vậy, nào ngờ sau hôm đó, về công ty, cô gái lại “xáp lá cà”, tiếp cận Đức, tỏ ra như thân thiết lắm. Vài ba lần cô gái tới bàn làm việc của Đức, trò chuyện lởi xởi rồi tiện tay… bóp mông cậu. Nam nhân viên mặt đỏ tía, im re không dám lên tiếng.
Chưa dừng lại, cô gái liên tục nhắn tin, gọi điện cho Đức. Từ hỏi han chuyện ăn uống, làm gì, cô video call (gọi điện kèm hình ảnh) cho Đức cả trong lúc đang trong nhà tắm hoặc lúc đang khỏa thân. Những khi Đức không nghe máy thì cô gái gửi ảnh bikini, ảnh khỏa thân của cô hoặc clip sex trên mạng sang cho cậu.
Mỗi khi nam nhân viên cao lớn, vạm vỡ đến công ty thì y như rằng cô gái xáp lại, tỏ ra như hồn nhiên, vô tư kéo tay, chạm vai rồi bẹo, véo, vờ vô tình đụng vùng nhạy cảm…
Đức khổ sở cho biết, kể thì nghe như bịa nhưng là người trong cuộc, cậu khó xử, bế tắc vô cùng. Cậu không tài nào mở miệng phản ứng hay la làng lên về việc bị một cô gái quấy rối tình dục.
Chán nản, ức chế, khó chịu, thấy mình bị xúc phạm mà như bất lực là cảm giác Đức đang trải qua khi bị nữ đồng nghiệp “quấy”.
Hiện tại, Đức chỉ biết làm lơ trước những tin nhắn, những cuộc gọi của cô gái. Đến độ quá ngán, tuần rồi cậu còn lấy lý do bệnh để làm việc tại nhà, xin nghỉ họp để tránh đụng mặt kẻ quấy rối.
Nữ đồng nghiệp thường xuyên gửi ảnh khỏa thân và ảnh sex cho cậu (Ảnh minh họa: Internet).
“Khi tôi kể về tình cảnh của mình, có người tặc lưỡi, đồng nghiệp khác lại cười toáng lên, nói: “Thôi ông ơi, sướng thế còn kêu”, Đức thở dài.
Nam nhân viên trải lòng, cũng là bị quấy rối nhưng nếu là nạn nhân là nữ thì họ dễ phản ứng hơn, lên tiếng thường được chia sẻ, ủng hộ. Còn cậu là nam nhi đại trượng phu, khó nói ra việc tế nhị đó vì liên quan đến “bản lĩnh đàn ông”. Nếu nói ra, có khi bị mọi người xem đó là trò cười.
Nhưng sẽ không thể xem đó là chuyện hài, mua vui nếu đối chiếu với những con số nghiên cứu, thống kê chính thức về vấn đề liên quan chuyện xâm hại, quấy rối tình dục mà nạn nhân là nam giới. Cụ thể, thời gian gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 vụ xâm hại trẻ em được ghi nhận. Đáng chú ý, 20% số nạn nhân bị xâm hại là trẻ em nam.
Trên thực tế, phái mạnh ít được nhìn nhận có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục ở nhiều góc độ, từ việc nhận diện, quan niệm, cách nhìn của xã hội và của chính gia đình. Trong môi trường công sở “khoảng trống” bỏ rơi nam giới ở góc độ họ là nạn nhân càng thể hiện rõ.
Vào năm 2018, Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC) của Mỹ chỉ ra, gần 20% các vụ khiếu nại quấy rối tình dục được báo cáo tại nơi làm việc đến từ các nhân viên nam. Tuy nhiên, hầu hết nạn nhân đều mang tâm lý xấu hổ, không dám lên tiếng nên số vụ quấy rối thực tế xảy ra với nam giới được cảnh báo có thể cao hơn số liệu báo cáo.
Anh L.M.T., 31 tuổi, ở TPHCM kể, trong 3 năm làm việc tại một trung tâm thể hình, anh liên tục bị quấy rối tình dục. T. thường bị các chị em phụ nữ chòng ghẹo rồi đụng chạm, sờ mó, gạ gẫm, đôi khi “hung thủ” là đàn ông. Khi cậu lên tiếng thì thường phải tiếp tục nhận về những lời trêu ghẹo, cười cợt từ khách hàng, còn quản lý thì cho rằng mất mát gì mà cậu làm quá.
Sau này, khi biết anh T. bỏ việc vì thường xuyên bị quấy rối tình dục, nhiều người còn xem đó như truyện cười, mà đùa “ước gì mình được như anh ấy”.
Luật Lao động 2019 định nghĩa quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó chấp nhận, mong muốn. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Theo anh T., nỗi đau, tổn thương của đàn ông bị quấy rối thường không được xem xét một cách nghiêm túc. Nhiều người phải bỏ việc hoặc im lặng chịu đựng.
“Một vài công ty tôi làm việc từng tổ chức các chương trình truyền thông, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh quấy rối tình dục nơi công sở nhưng kể cả chuyên gia, cũng chỉ chủ yếu đề cập nạn nhân là nữ, chúng tôi bị bỏ ngoài cuộc”, anh T. kể.
Chương trình tập huấn về chủ đề quấy rối tình dục nơi làm việc tại TPHCM (Ảnh: H.N).
Ông Nguyễn Hùng Anh, chuyên gia tâm lý tại TPHCM cho hay, các quy định về quấy rối tình dục không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp và chính người lao động thường nhìn nhận phái nữ mới là nạn nhân bị quấy rối. Đây chính là một biểu hiện của định kiến, của bất bình đẳng giới mà nam giới là nạn nhân.
“Nam giới, khi là thủ phạm quấy rối, sẽ bị lên án rất dữ dội nhưng khi phái nữ là thủ phạm, là đối tượng có hành vi trêu ghẹo đàn ông thì mọi người lại cho rằng đó là chuyện gì rất… thú vị, có khi còn được hưởng ứng, cổ vũ. Nam giới phản ứng thì còn bị cười nhạo, phải đối diện với những ánh mắt tò mò nên họ rất khó lên tiếng”, ông Nguyễn Hùng Anh bày tỏ.