8 ngày làm quen và một cú lừa

Nếu bạn là người cả nể và trọng tình cảm thì khá dễ sập bẫy lừa. Ảnh: Họa sĩ DAD

Nếu bạn là người cả nể và trọng tình cảm thì khá dễ sập bẫy lừa. Ảnh: Họa sĩ DAD

Một ngày nọ, tôi nhận được email gửi vào hòm thư gmail làm quen với nội dung rất lịch sự. Một người nước ngoài kể rằng anh ta sắp sang Việt Nam sống hai năm để quản lý, vận hành một dự án. Trong lúc lên LinkedIn (một trang mạng xã hội chuyên kết nối trong việc kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối để tìm kiếm việc làm – NV) để tìm phiên dịch, anh ta bắt gặp tấm hình của tôi và tin rằng chúng tôi có gì đó để kết nối.

Gặp “người nước ngoài” xa lạ trên mạng, bạn đang trong quá trình luyện tiếng Anh thì cứ thử vận may, tuy nhiên đừng bao giờ quá tin vào phép màu.

Đi máy bay riêng và luôn giàu có

Sau khi tôi gửi email trả lời (bằng tiếng Anh), anh ta gửi lá thư dài hơn để giới thiệu thông tin bản thân, tỉ mỉ như khai lý lịch. Tôi lên mạng tìm hiểu thông tin về các công ty lớn anh ta nói đã và đang làm, tôi bớt nghi ngờ.

Anh ta nhắn tin vào sáng sớm trước giờ tôi đi làm, giờ trưa và buổi tối tầm lúc tôi tan làm, cho đến tận khuya. Nội dung rất từ tốn, quan tâm, và luôn khen ngợi tôi.

Hôm sau, anh ta nói sẽ tới Việt Nam trong vài ngày nữa. Anh ta ngỏ ý mời tôi ăn tối vào chủ nhật tuần đó, nhờ tôi đặt sẵn bàn ở nơi nào sang trọng. Khi tôi hỏi số hiệu chuyến bay, anh ta trả lời rằng anh ta đi máy bay riêng và gửi định vị khách sạn sẽ ở tại Hà Nội.

Ngày thứ 8 sau khi “quen biết” nhau, anh ta gửi link ngân hàng nhờ tôi đăng nhập vào để thao tác chuyển khoản hộ anh ta. Tôi từ chối vì tôi không muốn gặp rắc rối gì liên quan tiền bạc của người khác. Anh ta cung cấp một ID, mật khẩu và mã PIN cho tôi cùng với thông tin người nhận.

Thông tin trên tài khoản của anh ta có hơn 997.000 EUR, tính ra là gần 26 tỉ VND. Lịch sử giao dịch chỉ có một trang. Tôi đã từng làm ngân hàng và biết cách phân biệt ngân hàng giả mạo, nhưng tôi vẫn muốn xem anh ta diễn trò gì.

Anh ta hỏi tôi 1.750EUR là bao nhiêu tiền VND và bảo rằng anh ta cần thanh toán gấp cho đơn vị bán hàng bằng VND chuyển trực tiếp vào tài khoản của họ. Anh ta nhờ tôi chuyển tiền EUR từ tài khoản của anh ta vào tài khoản của tôi, rồi tôi lấy tiền VND của mình để chuyển cho người bán hàng.

Tôi nói không có đủ tiền, anh ta gợi ý tôi vay mượn của bạn bè và người thân và tỏ ra rất gấp gáp (vẫn với giọng rất ngọt ngào). Tôi bảo rằng tôi đang rất bận, thế là anh ta tỏ vẻ hờn dỗi. Rồi anh ta bảo tôi có thể chuyển gấp đôi số tiền đó từ tài khoản của anh ta sang cho tôi cũng được. Tôi đề nghị anh ta nhờ đồng nghiệp đi… Anh ta kiên trì giục tôi chuyển khoản.

Kịch đã hạ màn

Đến lúc này, tôi nói thẳng rằng tôi sẽ không giao dịch tiền bạc nào cho người mà tôi chưa từng gặp và không biết gì về họ. Anh ta gửi một câu tiếng Anh tạm dịch là anh ta mắng tôi độc ác và vô nhân đạo. Và anh ta lặn biệt tăm.

Có hai điều khiến tôi không thôi cảnh giác. Anh ta có gửi ảnh cho tôi nhưng luôn phớt lờ mỗi khi tôi đề nghị gọi điện, gọi video và anh ta luôn cố ý muốn cho tôi thấy rằng anh ta rất giàu có. Anh ta nhờ tôi cho ý kiến về việc mua nhà ở Việt Nam. Tôi thầm nghĩ: một người tới Việt Nam lần đầu cho dự án kéo dài hai năm chắc không mấy ai nghĩ đến việc bỏ số tiền lớn để mua nhà sớm vậy!

Những nhóm lừa kiểu này có đồng bọn ở Việt Nam hoặc chỉ ở Việt Nam. Chúng áp dụng một số thủ thuật tâm lý. Chiêu lừa không quá mới, khi chúng tạo ra trang web ngân hàng giả mạo với giao diện khá giống với các ngân hàng thật. Cao điểm nhất là ngày hạ màn: cố tình tạo ra tình thế gấp gáp, dồn nén để mình không kịp phản ứng và phân tích nhiều. Nếu bạn là người cả nể và trọng tình cảm thì khá dễ sập bẫy.