Gen Z đã đi làm quan tâm sức khỏe tinh thần, muốn cân bằng công việc và cuộc sống, còn nhóm sinh viên lại kỳ vọng về tiền lương, theo khảo sát của Anphabe.
Ngày 12/3, Anphabe công bố khảo sát Xu hướng người đi làm và Xu hướng sinh viên trong nửa cuối năm 2023, thực hiện trên gần 65.900 người đã đi làm và hơn 9.600 sinh viên toàn quốc. Kết quả cho thấy mục tiêu nghề nghiệp mà gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) đặt ra trong năm 2024 khá tương đồng với xu hướng chung của người đi làm Việt Nam.
Trong đó, hai mục tiêu hàng đầu được 56% người lựa chọn là thu nhập đủ sống thoải mái, tiết kiệm được và công việc ổn định, đảm bảo. Song so với thế hệ trước, các gen Z thể hiện rõ hơn sự tập trung cho nhu cầu được trao cơ hội phát triển và thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp.
Gen Z đã đi làm, trải nghiệm môi trường công việc có xu hướng kỳ vọng nhiều hơn tới cân bằng công việc và cuộc sống; tạo giá trị, cống hiến trong công việc và trở thành lãnh đạo hoặc chuyên gia. Trong khi đó, đích đến của các gen Z còn sinh viên là được huấn luyện và tạo nền tảng phát triển; mở rộng các mối quan hệ quan trọng; tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị.
Lương và phúc lợi là thông tin gen Z đã đi làm muốn thấy nhất, quyết định có ứng tuyển hay không. Ba yếu tố họ đề cao nhất là môi trường, đồng nghiệp và công việc. Cụ thể, 73% mong muốn làm việc trong môi trường năng động và vui vẻ; 72% cần môi trường cho phép họ cân bằng công việc và cuộc sống; 71% muốn có đồng nghiệp dễ chịu và thân thiện – những người mà họ có thể kết bạn.
Trải qua năm 2023 biến động kinh tế, gen Z đặt nhiều kỳ vọng vào công việc ổn định, môi trường làm việc an toàn, bên cạnh ba yếu tố quan trọng là phúc lợi tốt, lãnh đạo có tầm nhìn và chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân viên.
So với những người đã đi làm, gen Z sinh viên “kỳ vọng cao về lương” nhưng “thời gian gắn bó” ngắn với môi trường làm việc. Kỳ vọng tiền lương của nhóm này với công việc chính thức đầu tiên tăng từ 8,1 triệu đồng mỗi tháng năm 2019 lên 9,2 triệu vào năm 2023. So với các thế hệ khác, gen Z gắn bó với công ty chỉ khoảng 2,2 năm, trong khi gen Y (1981-1996) là 3,2 năm và gen X (1965-1980) là 4,3 năm.
Sinh viên thuộc thế hệ này ngày càng yêu thích các ngành nghề như ẩm thực và nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính và bán lẻ, thương mại, với mức tăng bình quân 9-14%. Trong khi quảng cáo và truyền thông, thương mại điện tử là những ngành nghề sụt giảm sự yêu thích, tới 9%.
Mong muốn cân bằng công việc và cuộc sống không chỉ là ưu tiên của riêng gen Z đã đi làm mà trở thành xu hướng chung của người lao động trong năm nay. Báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search khảo sát quý III/2023 cũng chỉ ra “cân bằng công việc và cuộc sống” là một trong năm yếu tố tác động mạnh mẽ tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại của người lao động nếu không được đáp ứng. Điều này cho thấy người lao động ngày càng đề cao những giá trị liên quan sức khỏe tinh thần.
Các nghiên cứu khuyến cáo doanh nghiệp để giữ chân người tài ngoài chính sách lương thưởng cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho mỗi nhân viên, nhìn nhận và đánh giá năng lực của họ thường xuyên dựa vào hiệu suất công việc. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động, áp dụng chính sách linh động về giờ làm, làm việc từ xa nếu phù hợp công việc, tổ chức các hoạt động gắn kết bộ phận nhân viên và quản lý.
Hồng Chiêu