Vướng khâu xác định giá đất thị trường
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp hạn chế. Số lượng sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch chủ yếu là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán.
Dự án Sudico Tiến Xuân, xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội 15 năm vẫn là đồng lúa
Bộ Xây dựng cho hay, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất, rất khó xác định đâu là giá thị trường (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án). Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, quy định về nhà ở, đô thị và xây dựng.
Về những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, riêng việc thực hiện những thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà ở, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20% theo quy định), dẫn đến việc hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập.
Quy định này cũng dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong khi quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.
Nhà ở thiếu, dự án “đắp chiếu”
Theo Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, quý I/2023, có 14 dự án hoàn thành, bằng khoảng 50% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 63,64% so với quý I/2022. Cả nước đang xây dựng 698 dự án, bằng khoảng 57,4% so với với cùng kỳ năm trước; 17 dự án được cấp phép mới, số lượng này chỉ bằng 43,59% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi nhà ở sụt giảm, dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng chiếm số lượng lớn. Riêng thống kê tại Hà Nội, hiện nay trên toàn địa bàn có 700 dự án có sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, tổng diện tích đất được cấp hơn 5.000ha. Điển hình như: Huyện Thạch Thất 28 dự án, huyện Mê Linh 64 dự án, Quốc Oai 10 dự án…
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 354 dự án nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư. Đến tháng 2/2023, có 138 dự án đã hết thời gian thực hiện, và trong số này, 30 dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại đã được chấp thuận đầu tư nhưng ngưng thi công.
Tháng 11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.