Sinh viên Trường đại học Văn Lang tham gia thử thách tại các bàn tuyển dụng lao động trong ngày hội việc làm VLU’s Job Fair 2023 – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Các chia sẻ về nhu cầu lao động trên vừa được nêu trong khuôn khổ Ngày hội việc làm VLU’s Job Fair 2023 diễn ra hôm nay 3-4 tại Trường đại học Văn Lang (cơ sở quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Theo ông Triết, thị trường lao động TP.HCM quý 1-2023 có nhiều biến đổi so với cùng kỳ. Hai khối ngành kinh doanh thương mại và hành chính – văn phòng – biên phiên dịch có nhu cầu tìm kiếm việc làm cao nhất (lần lượt là 12,98% và 11,63%). Trong khi nhóm ngành thấp nhất là cơ khí – tự động hóa với 4,25%.
Từ sự chuyển biến này, ông Triết cho rằng nhân sự một số lĩnh vực sẽ gặp khó trong thời gian tới gồm các ngành: dệt may – giày da, chế biến gỗ và bất động sản, xây dựng.
Các ngành du lịch, nhà hàng – khách sạn, công nghệ ô tô và công nghiệp phụ trợ, vận tải – kho bãi, sản xuất lương thực… đang có tín hiệu hồi phục tích cực. Vì vậy, TP.HCM cần khoảng 67.000 – 73.000 chỗ làm việc trong quý 2.
Lao động phổ thông chưa qua đào tạo chỉ chiếm 13,08% tổng nhu cầu tuyển dụng của TP.HCM – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Có hai tình huống được ông Triết đưa ra khi dự báo về thị trường lao động ở TP.HCM trong năm 2023. Một là, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn chậm lại, nhu cầu nhân lực vào khoảng 280.000 – 300.000 chỗ làm việc.
Hai là, kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn phát triển, nhu cầu thị trường lao động TP.HCM cần 300.000 – 320.000 việc làm.
Lượng việc tập trung chủ yếu ở 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng điểm.
Thị trường lao động 2023 theo loại hình doanh nghiệp cũng có sự phân hóa rõ rệt.
Với doanh nghiệp nhà nước có tính ổn định cao, nhân sự biến động không nhiều, nhu cầu tuyển dụng lao động tương đối thấp khoảng 1,9%.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,17%. Trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng cực kỳ cao với 88,93%.