Theo Bộ Xây dựng, trong quý 1/2023, tại miền Nam chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới.
Bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, cả quý số lượng dự án được cấp phép mới chỉ có 17 dự án với 7.187 căn, số lượng dự án được cấp phép mới bằng khoảng 77,27% so với quý 4/2023 và bằng khoảng 43,59% so với quý 1/2022. Cụ thể, miền Bắc có 9 dự án, tại miền Trung có 5 dự án, tại miền Nam có 3 dự án.
Vào quý 1 năm trước, cả nước có 39 dự án với 18.660 căn. Cụ thể, tại miền Bắc có 21 dự án với 6.103 căn, tại miền Trung có 07 dự án với 3.077 căn, tại miền Nam có 11 dự án với 9.480 căn. Qua số liệu cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế, thậm chí có xu hướng giảm.
Nguồn cung về nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế, thậm chí có xu hướng giảm. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành chỉ có 14 dự án, chỉ bằng phân nửa so với quý trước đó. Trong đó, miền Bắc có 9 dự án, với 5.679 căn, miền Trung có 3 dự án với 137 căn, miền Nam có 2 dự án với 93 căn (số lượng căn hộ hoàn thành chỉ bằng 1,6% so với miền Bắc).
Tương tự với số lượng dự án đang xây dựng khi miền Bắc có 391 dự án thì miền Nam chỉ có 106, trong khi miền Trung lại vượt lên khi có đến 157 dự án.
Ba tháng đầu năm, lượng giao dịch bất động sản giảm tới 35% so với cuối 2022, với 106.401 giao dịch và giảm gần 39% cùng kỳ. Phân khúc đất nền ghi nhận lượng giao dịch giảm sâu, chỉ bằng 45% quý IV/2022 và gần 44% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng 273% so với cuối năm ngoái và 193% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của các địa phương có báo cáo, tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý đầu năm vào khoảng 18.808 căn, nền. Trong đó, tồn kho chủ yếu rơi vào phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ (9.123 căn) và đất nền các dự án (7.113 nền).
Trong bản cập nhập về thị trường nhà TP.HCM quý 1/2023, Cushman & Wakefield cho biết, lượng bán mới đạt khoảng 1.301 căn, tăng 32% so với quý trước. Việc áp dụng khung pháp lý mới và tình hình phát hành trái phiếu hiện nay vẫn có tác động đến thị trường bất động sản. Hơn nữa, lực cầu đang cho thấy sự chần chừ của bên mua trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối tượng mua ở giai đoạn này chủ yếu là người mua để ở thực và đầu tư dài hạn chứ không còn là nhà đầu tư ngắn hạn dưới sự hỗ trợ của đòn bẩy tài chính như trước đây.
Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Bộ Xây dựng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, các địc phương để rà soát, tháo gỡ từng vấn đề vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục tổng hợp các vướng mắc của các doanh nghiệp, các hiệp hội gửi trực tiếp đến Tổ công tác để kịp thời báo cáo Chính phủ và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.
Các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời phối hợp đồng bộ hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn.