22 năm làm việc cũng không đủ tiền mua nhà giá rẻ
(Dân trí) – Nhiều người đến TPHCM khi còn trẻ, làm việc suốt 20 năm nhưng cũng không dành dụm đủ tiền để mua nhà ở thành phố xa hoa này. Giờ đây, khi giá nhà đất tăng cao, ước mơ có “nơi chui ra chui vào” của họ ngày càng trở nên xa vời.
Giấc mơ an cư
Đầu tháng 5, khi có cơ hội tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, chị Lê Thị Mỹ Kha (công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ, quận Bình Tân) khẩn thiết đề nghị các đại biểu dân cử quan tâm đến giấc mơ có mái nhà an cư của công nhân lao động.
Sau nhiều năm lên thành phố làm công nhân, mong ước mua được căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống của chị vẫn chỉ là giấc mơ xa vời. Chứng kiến giá nhà đất tăng dựng đứng mấy năm nay, chị Kha thấy cánh cửa hẹp với mình gần như đóng hẳn. Lúc này, chị chỉ còn trông mong cơ hội có nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người lao động.
Gặp gỡ đại biểu Quốc hội, cử tri công nhân đề đạt nguyện vọng được nhà nước quan tâm đến vấn đề nhà ở (Ảnh: Quang Huy).
Chị Nguyễn Thị Hân là công nhân xi mạ chuyên sản xuất phụ tùng xe máy ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) với thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng khi được tăng ca đều. Chị là mẹ đơn thân, một vai gánh nặng nuôi con nhỏ, cha mẹ già ở quê nên dù rất tiết kiệm cũng không tích lũy được gì sau hơn 10 năm làm việc trong nhà máy. Với Hân, dành dụm đủ tiền để mua nhà ở thành phố chỉ có thể ở trong “giấc ngủ thật sâu”.
Hiện mẹ con chị đang trọ ở căn phòng trọ rộng 10m2 với giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng đã là quá sức, nếu mua nhà trả góp chị cũng chẳng có tiền để trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Trong giai đoạn 2021-2022, công việc khó khăn vì dịch Covid-19, có những tháng chị phải xin ở nhờ phòng bảo vệ khu trọ vì không có tiền thuê trọ.
Thậm chí, những công nhân lâu năm, lương cao như chị Võ Thị Trúc Mai (Công ty may mặc Quảng Việt, huyện Củ Chi) cũng không có niềm tin có thể mua nhà ở thành phố. Theo chị Mai, với mức lương 11 triệu đồng/tháng, chị đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng thu nhập này chỉ đủ sống ở thành phố, không dư dả để nghĩ đến chuyện mua nhà ở thương mại. Nhưng với mức lương này, chị không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội.
Một mái nhà an cư là ước mơ của hầu hết công nhân ngoại tỉnh đến thành phố lập nghiệp (Ảnh: Phương Nhi).
Tại hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội” diễn ra vào tháng 4, anh Nguyễn Trọng Nhân, nhân viên văn phòng tại Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) cho biết, đã làm việc tại thành phố 22 năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng với anh, mua nhà vẫn chỉ là giấc mơ.
Theo anh Nhân, tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống, đặc biệt càng khó hơn khi giá nhà ở thương mại tăng quá nhanh, nguồn cung nhà thì quá ít, khó tiếp cận.
Anh Nhân chia sẻ: “Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Đây là nhu cầu, cũng chính là giấc mơ!”.
Cả trăm công nhân mới có 1 người dám mua nhà
Năm 2022, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) thực hiện một khảo sát về tình trạng nhà ở của người lao động tại TPHCM với 300 người lao động ngoại tỉnh đến thành phố làm việc và 100 lao động có hộ khẩu tại TPHCM.
Kết quả, hình thức nhà ở chủ yếu của họ là phòng trọ (chiếm hơn 52%), gần 14% thuê nhà nguyên căn để ở. Những người có nhà riêng chiếm gần 19%, nhưng đó đều là người có hộ khẩu ở TPHCM và người có nhà ở tỉnh lân cận thành phố, đến làm việc rồi về trong ngày.
Theo khảo sát của Social Life, chi phí thuê nhà trọ chiếm ít nhất 10% thu nhập của người lao động (Ảnh: Tùng Nguyên).
Trong số 400 người được khảo sát thì chỉ có 5 người đang mua nhà/chung cư trả góp, tỷ lệ hơn 1%. Trong 5 người đang trả góp mua nhà, 4 người hộ khẩu ở TPHCM và chỉ duy nhất 1 người là lao động ngoại tỉnh.
Lao động ngoại tỉnh duy nhất mua được nhà trong khảo sát này là một nam công nhân ngành điện nước 40 tuổi, đã có bằng đại học. Sau nhiều năm đi làm, vợ chồng anh tích góp và mượn thêm tiền của anh em mua một căn nhà giấy tờ tay diện tích 30m2 ở Đồng Nai với giá 250 triệu đồng. Hằng ngày, vợ chồng anh chạy từ Đồng Nai vào thành phố làm việc rồi tối lại chạy về.
Anh chia sẻ: “Hằng ngày chúng tôi chạy từ Đồng Nai vào thành phố làm việc, đi lại khá cực nhưng cũng đành chịu chứ không tích góp được số tiền lớn để mua nhà ở TPHCM được”.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Bình Tân, trên địa bàn quận có hơn 318.000 công nhân thì có đến 70% là người từ các tỉnh thành khác và đa số đều ở nhà trọ. Bình quân thu nhập của họ chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, ai tiết kiệm mới dư được 1-2 triệu đồng/tháng thì bao giờ mới tích lũy được 1-2 tỷ đồng để mua nhà?
Do đó, ông đề xuất đại biểu Quốc hội, chính quyền thành phố quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, nới rộng điều kiện cho công nhân có quyền mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho công nhân được tiếp cận vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội…
Theo bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM, người lao động rất vui mừng khi nghe tin có gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, công nhân tiếp cận gói vay này rất khó và nhiều bất cập khi triển khai như việc phải trả trước 50%, lãi suất cao…
Hàng trăm ngàn công nhân đang phải sống trong các khu trọ xập xệ, thiếu an ninh (Ảnh: Phương Nhi).
Chia sẻ với công nhân tại hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đánh giá chính sách cho vay mua nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều điểm nghẽn.
Điểm nghẽn lớn nhất là quy định người lao động có mức lương cao, phải đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nhưng thực tế, người có mức lương phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
93.000 căn nhà ở xã hội cho người lao động
Tại hội thảo về phát triển nhà ở xã hội nói trên, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thành phố đang tính toán lại thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành cho phù hợp khả năng tài chính của người lao động, xây dựng đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở…
Ngoài ra, trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TPHCM kiến nghị nhiều chính sách để phát triển nhà ở xã hội như: cho phép các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu, cho phép thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại, bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội…
Các chính sách trên được xem là mấu chốt để tăng hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia các dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Những khu nhà ở xã hội giá vài trăm triệu đồng mỗi căn như ở Bình Dương, Long An là mong mỏi của hàng trăm ngàn công nhân ở TPHCM (Ảnh: Xuân Hinh).
Ông Trương Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đồng ý với nhận định, lãi suất cao thì công nhân, người lao động thu nhập thấp không thể vay để mua nhà. Ông Tuấn tính toán, ngân hàng phải cho vay với mức lãi suất ưu đãi từ 4,8%-5%/năm thì công nhân mới có thể mua được nhà.
Do đó, ông đề nghị phải có gói tín dụng cho người lao động vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội thì họ mới có khả năng trả lãi vay mua nhà. Đây là vướng mắc lớn nhất cần giải quyết.
Trao đổi cùng cử tri là công nhân lao động ở quận 7 vào ngày 6/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố luôn quan tâm đến đời sống người lao động, đặc biệt là vấn đề nhà ở.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Chính phủ giao chỉ tiêu cho thành phố xây dựng 69.700 căn nhà ở xã hội trong chương trình 1 triệu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thành phố vẫn giữ nguyên mục tiêu của chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 là đến năm 2030 sẽ xây dựng khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (khoảng 93.000 căn) để càng nhiều người lao động có cơ hội mua nhà.
Tiếp xúc cử tri công nhân, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định trong thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng thêm 93.000 căn nhà xã hội (Ảnh: Quang Huy).
Theo ông Phan Văn Mãi, nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ là vấn đề được nghiên cứu, xem xét biện pháp bình ổn giá trong thời gian tới. Thành phố sẽ có chính sách đất đai, tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà trọ và tăng khả năng tiếp cận của người lao động với giá cả phù hợp.
Về gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, ông Phan Văn Mãi cho biết đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để thúc giục công khai điều kiện, quy trình tiếp cận các gói ưu đãi cho người lao động được rõ. Tuy còn nhiều điểm vướng mắc nhưng các đơn vị này cam kết sẽ sớm hoàn thiện để có thông báo chính thức về gói vay này.
Tùng Nguyên
23/05/2023