Một chặng đường dài
Cách đây 30 năm, khi vừa mới tách ra từ tỉnh Thuận Hải, tỉnh Bình Thuận “non trẻ” đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách về mọi mặt, thời bấy giờ, du lịch còn chưa có trong cơ cấu thành phần kinh tế của tỉnh. Theo số liệu của tỉnh Bình Thuận, những năm 1992, lượng khách đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng chỉ đạt khoảng 12.500 người/năm, trong đó khách quốc tế xấp xỉ 1000 người, doanh thu từ ngành này mang lại mỗi năm chỉ vẻn vẹn hơn 6 tỷ đồng.
Du lịch Bình Thuận chỉ khởi sắc sau khi sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995. Nhật thực lần đó có thể quan sát được ở cả Việt Nam nhưng do tâm điểm cực đại nằm trên biển Đông nên thị xã Phan Thiết (nay là TP Phan Thiết) trở thành điểm quan sát tốt nhất. Ngoài các đoàn chuyên gia, khoa học trong và ngoài nước, theo ước tính, toàn tỉnh đã đón khoảng 53.000 lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên này. Từ đây, tỉnh Bình Thuận mở ra một chân trời mới, chào đón các làn sóng đầu tư du lịch, bộ mặt của tỉnh nhà cũng dần “thay da, đổi thịt”.
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút 383 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.123ha và tổng vốn đầu tư 68.831 tỷ đồng; trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với với tổng diện tích đất cấp 1.590ha và tổng vốn đầu tư là 11.231 tỷ đồng; 361 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất cấp là 4.533ha và tổng vốn đăng ký là: 57.600 tỷ đồng. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 188 dự án.
Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Bình Thuận cho biết: từ 10 cơ sở lưu trú du lịch năm 1995 đến nay, toàn tỉnh hiện có 594 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 17.587 phòng. Đã xếp hạng 57 cơ sở lưu trú với 4.581 phòng; ngoài ra còn có 557 căn hộ và 315 biệt thự.
Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ước đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch, tăng 2,9 lần so với năm 2021, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 12.140 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 22,4%/năm, đóng góp vào tổng sản phẩm nội tỉnh trên 9%.
“Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ ăn uống, mua sắm và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch cũng đã và đang ngày càng nâng cao về chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; dịch vụ vận chuyển khách tham quan, du lịch… đặc biệt là các dịch vụ thể thao biển ngày càng phong phú, đa dạng như: lướt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển…”, ông Nhân chia sẻ.
Từ chỗ “không có gì”, chỉ sau hơn 30 năm, du lịch Bình Thuận đã có sự phát triển mạnh mẽ không ngừng về mọi mặt. Đến nay, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật nhất Việt Nam. Nổi bật phải kể đến các sự kiện: Hoa hậu Trái đất năm 2010, Giải lướt Ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né -Việt Nam, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Việt Nam lần thứ I – Bình Thuận năm 2012 tại Hàm Tiến – Mũi Né, Vòng chung kết Hoa hậu Đại Dương năm 2014,… Các sự kiện này đã diễn ra khá thành công, tạo được hiệu ứng cao trong việc giới thiệu, quảng bá sâu, rộng hình ảnh du lịch Bình Thuận đến khách du lịch. Tháng 10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm Du lịch Quốc gia 2023: Bình Thuận – Hội tụ xanh
Ngày 5/10/2022, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt đã ký quyết định phê duyệt đề án tổ chức năm 2023 và Bình Thuận vinh dự được chọn là địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Năm Du lịch Quốc gia 2023 – Bình Thuận – Hội tụ xanh”.
Với việc lựa chọn chủ đề trên, Giám đốc sở VH,TT&DL Bùi Thế Nhân lý giải: Hội tụ xanh là nơi quy tụ của nhiều nền văn hóa đặc trưng, nơi hội tụ của đất trời và lòng người trên vùng đất Bình Thuận; từ những cảnh sắc độc đáo đến những lễ hội văn hóa đặc sắc, cùng người dân hiền hậu, chân chất làm say lòng du khách trong và ngoài nước.
Các hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia hướng đến sản phẩm du lịch xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe của du khách, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững. Hơn thế nữa, du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội của tỉnh Bình Thuận
Theo Sở VH,TT&DL Bình Thuận, Năm Du lịch Quốc gia 2023 có 208 sự kiện, hoạt động, trong đó có 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ VH,TT&DL, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức. Tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức chuỗi 31 sự kiện, hoạt động, văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn quy mô liên tỉnh, quốc gia, quốc tế diễn ra xuyên suốt năm 2023. Cùng với đó sẽ có 164 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hưởng ứng do 41 tỉnh, thành tổ chức.
Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Bùi Thế Nhân khẳng định, thông qua việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, Bình Thuận sẽ là nơi kết nối và hội tụ giữa các tỉnh trong khu vực lân cận và xa hơn nữa là khu vực phía Bắc và các nước châu Á – Thái Bình Dương để gắn kết cùng nhau phát triển kinh tế và du lịch, đồng thời sẽ là sự kiện văn hóa, du lịch và thể thao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, sẵn sàng chuẩn bị đón du khách gần xa và bạn bè quốc tế đến với tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo “cú hích” mạnh mẽ để du lịch Bình Thuận “cất cánh” trong giai đoạn mới.
Điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia 2023 là Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia 2023 – Bình Thuận – Hội tụ xanh gắn với Lễ hội đếm ngược (Countdown) chào năm mới 2023 được tổ chức vào tối 31/12/2022 tại đường Nguyễn Tất Thành, TP Phan Thiết.
Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 – Bình Thuận – Hội tụ xanh dự kiến tổ chức vào tháng 3/2023 tại Nova World Phan Thiết (TP Phan Thiết, Bình Thuận). Lễ trao giải chung kết Cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045” dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023 tại Centara Mirage Muine Resort (TP Phan Thiết, Bình Thuận). Lễ bế mạc và chào đón năm mới 2024 dự kiến tổ chức vào ngày 30/12/2023 tại Centara Mirage Muine Resort (TP Phan Thiết, Bình Thuận).