12 năm kể từ lần đầu nộp hồ sơ bổng thạc sĩ Fulbright, quả ngọt đến với Minh Tuấn ở tuổi 35, sau ba lần thất bại.
Với học bổng này, Võ Đặng Minh Tuấn sẽ đến Mỹ, theo học MBA (thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) ngành Marketing vào tháng 8 năm nay.
Đây là học bổng toàn phần bậc thạc sĩ của chính phủ Mỹ, tài trợ các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Học bổng bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 1993. Theo thống kê của chương trình, trong 300-500 hồ sơ ứng tuyển hàng năm, khoảng 30 ứng viên được mời vào vòng phỏng vấn.
Khi nhận thông báo trúng tuyển hồi cuối năm 2022, Tuấn 35 tuổi và đã có kinh nghiệm 14 năm trong ngành Marketing. Anh nhìn nhận mình không còn trẻ so với phần lớn du học sinh bậc thạc sĩ nhưng việc học không giới hạn tuổi tác.
“Nhân sự ngành Marketing cũng luôn phải học hỏi, cập nhật xu hướng, công nghệ, tâm lý người dùng. Người Mỹ luôn dẫn đầu các xu hướng trong ngành Marketing nên tôi muốn học hỏi từ họ”, anh Tuấn nói.
Minh Tuấn trong một diễn đàn nội bộ tại công ty anh đang làm việc hồi tháng 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Tuấn bắt đầu tìm hiểu và nộp hồ sơ học bổng Fulbright từ năm 2010. Trước khi trúng tuyển, anh từng thất bại vào năm 2010, 2011 và 2017.
Theo anh Tuấn, nguyên nhân thất bại của hai lần nộp hồ sơ đầu tiên là do còn quá non nớt. Ở độ tuổi 24, 25, anh chưa xác định rõ định hướng và mục tiêu học tập nên làm hồ sơ lan man, chưa trả lời được câu hỏi du học làm gì, giúp được gì cho xã hội. Lần thất bại thứ ba vào năm 30 tuổi, Tuấn cho rằng mình phô diễn quá nhiều thành tích, thuật ngữ chuyên ngành trong hồ sơ khiến hội đồng tuyển sinh khó hiểu.
Dù vậy, anh vẫn nghĩ sẽ có lúc ứng tuyển lại. Dù bận rộn với công việc, anh Tuấn thường theo dõi các buổi chia sẻ thông tin của học bổng Fulbright để học hỏi kinh nghiệm. Cho tới năm 2022, anh “vỡ ra” được nhiều điều sau khi nghe chia sẻ từ các ứng viên trúng tuyển năm 2021.
Tuấn quyết định lần thứ tư theo đuổi học bổng Fulbright khi hạn nộp hồ sơ chỉ còn 10 ngày. Trong khoảng thời gian đó, anh quản lý nhiều dự án nên việc sắp xếp thời gian để hoàn thiện hồ sơ khá căng thẳng. Ngày nào, Tuấn cũng phải thức tới 1-2h sáng.
Hồ sơ học bổng yêu cầu viết hai bài luận về cá nhân và mục tiêu học tập. Những lần trước, Tuấn viết hai bài này gần giống nhau và theo văn phong như thư xin việc. Rút kinh nghiệm, lần này anh phân chia bố cục rõ ràng cho hai bài luận. Bài viết về cá nhân sẽ chia sẻ từ quá khứ đến hiện tại, còn bài luận về mục tiêu học tập đi từ hiện tại đến tương lai. Trong khi đó, ba thư giới thiệu được anh lấy từ sếp cũ, đối tác và đồng nghiệp.
“Khi gộp hai bài luận và ba thư giới thiệu sẽ thể hiện được những khía cạnh, tố chất khác nhau của mình, giúp hội đồng tuyển sinh hiểu rõ và đánh giá toàn diện hơn”, Tuấn nói.
Trong bài luận, anh trăn trở trước thực trạng doanh nghiệp chưa quản lý ngân sách marketing hiệu quả, dẫn đến hạn chế cơ hội kinh doanh, thiếu hụt nhân lực MarTech (marketing dựa trên công nghệ). Điều này, theo Tuấn sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Với kiến thức từ chương trình thạc sỹ do Fulbright hỗ trợ, Tuấn mong có thể nâng cao khả năng tư duy dựa trên dữ liệu của mình nhằm tư vấn và đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ các vấn đề nêu trên.
Tuấn cho rằng trong hồ sơ ứng tuyển lần này anh đã thiết lập mục tiêu và thể hiện nguyện vọng đi học của mình rõ ràng hơn, vận dụng số liệu và ngôn ngữ chân phương để thuyết phục hội đồng Fulbright thay vì những từ ngữ “đao to búa lớn”, chung chung.
Một yếu tố khác mà anh cho rằng đã thuyết phục hội đồng tuyển sinh là sự đam mê nghề nghiệp. Tuấn đã theo đuổi nghề marketing suốt 14 năm, chia sẻ kiến thức của mình để hỗ trợ sinh viên và cộng đồng theo nghề này.
Ngoài ra, học bổng Fulbright yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ IELTS, Tuấn đã gấp rút thi, đạt kết quả 7.0 và có bảng điểm một ngày trước hạn chót nộp hồ sơ.
Tuấn sẽ sang Mỹ để học thạc sĩ vào tháng 8 tới. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vào vòng phỏng vấn, khi được hỏi sẽ chia sẻ giá trị nào của Việt Nam với tư cách một đại sứ văn hóa, Tuấn kể lại những trải nghiệm của mình khi thực hiện các chiến dịch marketing vào dịp Tết. Đây không đơn thuần là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn bao hàm nhiều nét văn hóa đặc trưng như chúc Tết, quà Tết, về quê ăn Tết, mang giá trị của tình thân, cội nguồn. Anh mong muốn lan tỏa những giá trị đó đến bạn bè quốc tế để họ cảm nhận được bản sắc của quê hương mình.
Là đồng nghiệp cũ và là một trong ba người viết thư giới thiệu Tuấn, chị Trần Thu Hà, cựu Phó phòng Marketing thương hiệu GAP Inc., nhận xét Tuấn có khả năng lãnh đạo và truyền cảm hứng cho đội ngũ khi thực hiện các chiến dịch marketing.
Chị Hà nói trong giai đoạn các nhãn hàng chật vật vì Covid-19, anh liên tiếp đưa ra các ý tưởng hiệu quả giúp doanh nghiệp thắng lớn về doanh thu, được ban giám đốc đánh giá cao về năng lực.
“Tuấn luôn sẵn sàng chia sẻ những bài học trong quá khứ của anh cho đồng nghiệp, kể cả đó là những thất bại, để mọi người có thể rút kinh nghiệm trong công việc”, chị Hà nhận định.
Nói về lý do chỉ nộp học bổng Fulbright, anh Tuấn cho rằng học bổng này không phân biệt độ tuổi, thành phần nghề nghiệp, không đặt nặng điểm số. Điều này ngược lại với các học bổng khác. Anh Tuấn cho hay tốt nghiệp loại khá ở trường Đại học Ngoại thương, thành tích học tập không thuộc dạng “khủng”.
Nhìn lại hành trình của mình, Tuấn nhận ra bên cạnh những giá trị của bản thân, điều quan trọng là sự kiên trì.
“Nếu ngược lại thời gian, Tuấn của năm 2022 sẽ động viên Tuấn của 2010 rằng để đạt được ước mơ hãy trở thành người kiên trì nhất trong những người xuất chúng”, anh nói.
Lệ Nguyễn